Vì sao dịch ở TP.HCM lan nhanh?

Chuyên gia cho biết số ca mắc tại TP.HCM đang tăng rất nhanh. Tuy nhiên, điểm sáng là các bệnh nhân mới phát hiện trong khu cách ly và vùng phong tỏa.

TP.HCM sắp vượt Bắc Giang về số lượng ca mắc, trở thành địa phương dẫn đầu về số bệnh nhân Covid-19. Thành phố đang trải qua 2 đợt dịch từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi dịch điểm nhóm truyền giáo Phục hưng và từ 15/6 đến nay là hàng loạt cụm lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước tình huống số ca nhiễm như "vết dầu loang" ở ngoài cộng đồng, trong khu cách ly, TP.HCM đã kịp thời thay đổi chiến lược chống dịch. Các chuyên gia đánh giá dù sự thay đổi này khá chậm nhưng vẫn kịp thời để đi đúng hướng chống dịch.

Vì sao TP.HCM vượt 5.000 ca nhiễm trong một tháng?

Báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 với UBND TP.HCM, Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh.

Biến thể này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá có khả năng lây lan nhanh. Với chủng cũ, một người mắc bệnh có thể lây cho 2-4 người, còn chủng Anh thì tỷ lệ này là 7. Trong khi đó, chủng Delta có tỷ lệ lây nhiễm nhiều hơn chủng Anh từ 40-60%.

 Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Giám.

Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Giám.

Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), số ca nhiễm ở TP.HCM vượt qua Bắc Giang là điều đã được dự đoán trước và không bất ngờ.

“Mỗi ngày, TP.HCM phát hiện hàng chục ca nhiễm qua khám sàng lọc tại các bệnh viện. Đây là những ca chỉ điểm từ đó tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở các khu nhà trọ, cơ sở sản xuất, chợ buôn bán. Điều này phản ánh mô hình lây nhiễm ở thành phố đặc thù riêng và khác biệt các địa phương khác. Chính mô hình lây nhiễm khác biệt này, việc tăng nhanh số ca nhiễm hơn Bắc Giang là điều tất yếu”, bác sĩ Khanh nhận định.

Theo phân tích của chuyên gia này, tại Bắc Giang, các ca nhiễm chủ yếu là công nhân tại khu công nghiệp và khu nhà ở của họ. Phạm vi khoanh vùng đã được xác định rõ ràng. Còn ở TP.HCM, chỉ với cụm lây nhiễm ban đầu liên quan điểm nhóm Hội thánh, mức độ lây nhiễm đã nghiêm trọng hơn rất nhiều do người bệnh đa ngành nghề, đa địa phương và được phát hiện tương đối muộn.

“Ngay từ khi ổ dịch điểm nhóm Hội thánh được phát hiện, chúng tôi đã dự đoán dịch sẽ lây rất nhanh, lan rất rộng. Ở giai đoạn thứ 2, khi việc giãn cách xã hội chưa siết chặt, sự giao lưu, tiếp xúc trong các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tòa nhà văn phòng… với mật độ giao lưu đông, việc mang khẩu trang, khoảng cách và khử khuẩn không đảm bảo càng khiến sự lây nhiễm thêm chồng chéo. Một công ty chưa đến 100 người nhưng hơn 20 ca dương tính mới đây là một cảnh báo”, bác sĩ Khanh nói thêm.

 2.800 công nhân Công ty Nidec Sankyo ở Khu Công nghệ cao TP.HCM xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm trong đêm 29/6 sau khi công ty ghi nhận ca dương tính. Ảnh: Quỳnh Danh.

2.800 công nhân Công ty Nidec Sankyo ở Khu Công nghệ cao TP.HCM xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm trong đêm 29/6 sau khi công ty ghi nhận ca dương tính. Ảnh: Quỳnh Danh.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với 80% không triệu chứng, xét về mặt quản lý, sự phát tán virus trong cộng đồng còn khó khăn hơn rất nhiều so với có triệu chứng báo hiệu. Mức độ lây lan sẽ nhanh hơn đặc biệt ở những nơi mật độ dân số cao. Điều này lý giải sao số lượng ca mắc mới ở TP.HCM tăng nhanh đến vậy.

TP.HCM đang đi đúng hướng

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chính mô hình lây nhiễm đặc thù khiến việc chống dịch và dập dịch ở TP.HCM khó hơn rất nhiều so với các địa phương khác. Ở giai đoạn đầu, thành phố còn nhiều chệch choạc trong khâu tổ chức truy vết, xét nghiệm, cách ly khiến số ca nhiễm được phát hiện chậm.

“Vừa rồi, thành phố đã có nhiều cải thiện, điều chỉnh trong chiến lược và đang dần đi đúng hướng. Nếu làm tốt theo chiến lược này, thành phố chắc chắn sẽ kiểm soát dịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, song song chiến lược khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm thì việc siết chặt sự tuân thủ của người dân cũng rất quan trọng”, chuyên gia này nói thêm.

Chia sẻ với Zing, một chuyên gia dịch tễ đánh giá khi TP.HCM đã thay đổi chiến lược chống dịch đúng đắn, vấn đề đáng lo ngại tiếp theo là quá tải khối điều trị. Với số cơ sở điều trị Covid-19 hiện tại, thành phố cần phân công khối điều trị rõ ràng, hợp lý hơn, phân phối các nguồn lực, phân loại, theo dõi sát bệnh nhân.

Với Covid-19, trường hợp chuyển nặng, suy hô hấp rất khó lường, nên cần lực lượng chuyên môn, có khả năng phát hiện triệu chứng chuyển nặng hay bất thường. “Nếu khối điều trị quá tải, tình hình dịch sẽ chuyển biến khác”, chuyên gia nói.

 Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 1 đang theo dõi, chăm sóc hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ. Ảnh: Duy Hiệu.

Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 1 đang theo dõi, chăm sóc hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ. Ảnh: Duy Hiệu.

Liên quan vấn đề xây dựng hệ thống điều trị, GS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng không nên chủ quan dù 80% số ca nhiễm không triệu chứng.

Chuyên gia này đặt ra phép tính nếu số ca nhiễm tăng một triệu người, số ca mắc có triệu chứng là 200.000 người. Chỉ với số lượng này thì hệ thống y tế không thể chịu được. Thực tế ở Mỹ, châu Âu hay Ấn độ cho thấy sự lan nhanh của biến chủng virus này.

Hiện tại, nhiều nước dù vượt qua đỉnh dịch, hệ thống y tế mạnh và độ bao phủ vaccine nhiều hơn Việt Nam nhưng cũng không dám mở cửa “nghênh chiến” với chủng virus này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều quyết sách chống dịch, trong đó có việc thành lập Trung tâm điều hành, điều phối xét nghiệm trên địa bàn thành phố.

Năng lực lấy mẫu của TP.HCM hiện tại đạt 1,4 triệu mẫu/ngày và công suất xét nghiệm là 450.000 mẫu gộp. Với trung tâm điều hành này, việc phân phối mẫu đến các phòng xét nghiệm, tiến độ xét nghiệm của thành phố sẽ tăng đáng kể.

Ngoài ra, theo hướng dẫn cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế, TP.HCM đang lên kế hoạch dự thảo và chuẩn bị thí điểm. Công thức thành phố áp dụng là 14 + 14. Với trường hợp F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát tại nơi lưu trú nếu đảm bảo các điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này góp phần giảm tải cho khu cách ly tập trung tại TP.HCM.

Ngày 26/5, TP.HCM phát hiện ổ dịch điểm nhóm Hội thánh, mở đầu đợt bùng phát dịch lần 4 có mức độ lan rộng và phức tạp nhất. Từ ngày 17/6 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM duy trì ngưỡng trên 3 số. Đặc biệt, trong ngày 25/6 và 3/7, TP.HCM vượt ngưỡng 700 bệnh nhân, trở thành địa phương có số ca nhiễm đông nhất trong các bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Tính đến sáng 4/7, TP.HCM ghi nhận thêm 200 ca, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 hiện tại là 5.435 bệnh nhân.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-dich-o-tphcm-lan-nhanh-post1234293.html