Vì sao điểm chuẩn các ngành sư phạm tăng mạnh?

Ở nhiều ngành sư phạm năm 2024 này, thí sinh thi tốt nghiệp THPT đạt từ 9 điểm/môn vẫn rất khó để trúng tuyển.

Đến hôm nay, hầu hết các trường đại học (ĐH) trên cả nước đều đã hoàn tất công bố điểm chuẩn theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đáng chú ý nhất, năm nay điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên đều ở mức cao và nhiều ngành tăng hơn hẳn so với năm trước.

Nhiều ngành sư phạm lấy điểm trên 28, 29

Thể hiện rõ nhất và đứng đầu về điểm chuẩn khối ngành sư phạm nói riêng, xét tuyển ĐH nói chung năm nay là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi có đến 8 ngành sư phạm đạt điểm chuẩn trên 28 (thang điểm 30), theo tổ hợp ba môn thi.

Trong đó, trường có đến ba ngành lấy điểm chuẩn trên 29, dẫn đầu là sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử với 29,3 điểm, còn sư phạm Địa lý 29,05 điểm.

Ngược lại, ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, sư phạm Mỹ thuật có đầu vào thấp nhất nhưng cũng mức 22,69.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay cũng ghi nhận kết quả tuyển sinh tiếp tục đạt hiệu quả cao khi có đến ba ngành đào tạo giáo viên có điểm trúng tuyển trên 28 điểm.

Dẫn đầu là hai ngành sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử với mức điểm 28,6 điểm, kế đến là sư phạm Địa lí với 28,37 điểm.

Ngoài ra, trường ghi nhận 9 ngành đào tạo có điểm trúng tuyển từ 27 điểm trở lên, tăng gấp 9 lần so với năm 2023 và chủ yếu thuộc các ngành sư phạm.

Cụ thể như sư phạm Lịch sử - Địa lý (27,75 điểm); sư phạm Hóa học (27,67 điểm); sư phạm Toán học (27,6 điểm); Giáo dục chính trị (27,58 điểm); Giáo dục công dân (27,34 điểm); giáo dục quốc phòng - an ninh (27,28 điểm); sư phạm Vật lí (27,25 điểm), Tâm lí học (27,1 điểm) và sư phạm tiếng Anh (27,01 điểm).

Tại Trường ĐH Sài Gòn cũng gây ấn tượng với điểm chuẩn cao ở nhóm ngành sư phạm khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo đó, điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên dao động từ 21,59 đến 28,25 điểm, đều tăng so với năm trước. Trong đó, cao nhất là ngành sư phạm Lịch sử 28,25, kế đến là ngành sư phạm ngữ văn 28,11, ngành sư phạm toán học 27,75.

 Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NT

Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NT

Những lý do khiến điểm chuẩn tăng

Thực ra, điểm chuẩn khối ngành đào tạo sư phạm tăng và ở mức cao đã nằm trong dự đoán sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; số liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH và xét tuyển CĐ ngành giáo dục mầm non năm nay.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay, có hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH và xét tuyển CĐ ngành giáo dục mầm non (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024).

Theo Bộ GD&ĐT, đây cũng là năm có số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH cao nhất trong ba năm qua.

Đáng chú ý trong đó, lĩnh vực đứng đầu với tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất so với năm 2023 là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng khi 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng).

Bộ GD&ĐT cho rằng một trong những nguyên nhân chính là nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí theo Nghị định 116/2020 được thực hiện trong ba năm qua.

Nghị định này quy định sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Đồng thời, sinh viên được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường và không quá 10 tháng/năm học.

Đây cũng là lý do chính được Tiến sĩ Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và phụ trách truyền thông, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đưa ra khi giải thích về mức tăng số thí sinh xét tuyển năm nay.

Bên cạnh đó, chính sách về đãi ngộ, thu nhập cho giáo viên công tác tại TP.HCM cũng được quan tâm những năm gần đây.

Nêu thực tế tại trường, Tiến sĩ Huỳnh Trung Phong cho biết thêm, điểm chuẩn tăng do năm nay có tới 51.625 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường với hơn 31.000 thí sinh. Ngay cả khi đây là năm đầu tiên trường tuyển sinh tại phân hiệu Long An nhưng điểm chuẩn cũng rất tích cực.

Ngoài ra, thêm một lý do được một số trường lý giải là vì chỉ tiêu của các ngành sư phạm rất thấp, nhiều ngành chỉ 20-40 chỉ tiêu, ngành nào cao cũng chỉ trên dưới 200 chỉ tiêu.

Bởi lẽ, nhóm ngành sư phạm là lĩnh vực duy nhất phải do Bộ GD&ĐT xác định chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu đặt hàng tuyển dụng giáo viên của từng địa phương và cả nước.

Do đó, mặc dù các trường sư phạm đưa ra chỉ tiêu dự kiến theo năng lực đào tạo khá cao nhưng hàng khi Bộ GD&ĐT xét duyệt lại thì chỉ tiêu ở nhiều trường đều phải giảm mạnh.

Như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay bị giảm khoảng 300 chỉ tiêu so với đăng ký ban đầu. Trường ĐH Sài Gòn giảm khoảng hơn 200 chỉ tiêu. Trong đó, nhiều ngành chỉ tuyển 20 chỉ tiêu, như sư phạm Lịch sử, sư phạm Hóa học, sư phạm Vật lý, sư phạm Địa lý…

Trường ĐH Cần Thơ bị giảm gần 500 chỉ tiêu, xuống còn 624 chỉ tiêu.

Sinh viên theo học sư phạm theo 3 diện

- Diện 1, sinh viên được đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu: địa phương hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu chi trả tiền học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm qua cơ sở đào tạo giáo viên.

- Diện 2, sinh viên được đào tạo theo nhu cầu xã hội: cơ quan cấp trên của cơ sở đào tạo chi trả học phí, sinh hoạt phí từ nguồn ngân sách cấp hàng năm (các bộ, UBND tỉnh/thành…)

- Diện 3, sinh viên tự do, không cam kết phục vụ trong ngành: sinh viên tự đóng học phí và không được hưởng chi phí sinh hoạt phí hàng tháng.

Trong đó, ở diện 1 và 2, để được hưởng chính sách, khi nhập học vào cơ sở đào tạo, sinh viên phải đăng ký và cam kết khi ra trường phải tham gia công tác trong ngành giáo dục trong hai năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.

Đồng thời phải có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng. Nếu không thực hiện đúng cam kết, sinh viên phải bồi hoàn lại toàn bộ học phí và sinh hoạt phí.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-diem-chuan-cac-nganh-su-pham-tang-manh-post805947.html