Vì sao điểm chuẩn ngành Báo chí cao chót vót?

Từ mùa tuyển sinh 2020 đến nay, ngành Báo chí, truyền thông luôn dẫn top đầu. Năm nay, mức điểm cao nhất tiếp tục thuộc về Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) với ngành Báo chí lấy 29,9 điểm.

Theo đó, để vào ngành Báo chí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thí sinh phải đạt gần 10 điểm một môn, bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực, đối tượng thì mới trúng tuyển. Đầu vào các ngành còn lại xét tuyển bằng tổ hợp khối Văn - Sử - Địa đều cao, dao động từ 25,5 đến 29 điểm.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố điểm chuẩn trúng tuyển 39 mã ngành, với hai thang điểm 30 và 40. Với thang điểm 30, điểm chuẩn dao động từ 23,38 đến 27,80 điểm. Như vậy tối thiểu thí sinh phải đạt được ít nhất 8 điểm mỗi môn mới có cơ hội trúng tuyển một trong số các chuyên ngành có mức điểm thấp. Thang điểm 40, điểm chuẩn dao động từ 33,33 điểm đến 37,19 điểm. Trong đó nhóm ngành Báo chí, Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng tiếp tục dẫn đầu về các mức điểm chuẩn cao. Cụ thể, chuyên ngành Báo truyền hình tổ hợp R78, R26 điểm trúng tuyển là 37,19/40 điểm, tiếp đó là ngành Quan hệ công chúng chuyên ngành Truyền thông marketing (chất lượng cao) với 36,59/40 điểm. Nhìn chung để trúng tuyển vào đa số các chuyên ngành, thí sinh đều phải đạt điểm từ 8-9 mỗi môn mới có cơ hội trúng tuyển.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) cũng diễn ra câu chuyện tương tự, khi nhiều năm nay điểm chuẩn ngành Báo chí luôn cao chót vót. Điểm chuẩn ngành Báo chí dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng khối C ở mức cao nhất trong các ngành đào tạo với 28,25 điểm. Còn điểm chuẩn ngành Báo chí khối D14 là 27,15 và D01 là 27 điểm, cũng thuộc top cao nhất trường.

Lý giải vì sao ngành Báo chí dẫn điểm chuẩn top đầu những năm gần đây, PGS. TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Ngành Báo chí luôn nằm trong top 5 các ngành thu hút đông đảo thí sinh quan tâm và có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất của trường những năm trở lại đây. Năm 2022, điểm chuẩn ngành này ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) hệ đại trà tăng 1,1 điểm so với năm ngoái, đẩy điểm chuẩn lên 29,9. Tỷ lệ chọi của khối C00 ngành Báo chí là khoảng 1 chọi 500.

Bà Hương cho hay, phổ điểm thi tốt nghiệp tổ hợp C00 năm nay “nhích hơn” những năm trước, nhiều thí sinh đạt điểm giỏi môn Văn, Sử. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cả nước có 24.154 thí sinh đạt điểm 9 môn Văn trở lên, 29.423 thí sinh đạt điểm từ 9 -10 môn Sử, cao lần lượt gần gấp đôi và hơn gấp đôi con số 14.968 và 11.546 của năm trước.

Bên cạnh đó, ngành Báo chí của trường tuyển 110 chỉ tiêu cho hệ đại trà và chất lượng cao, nhưng có tới 2.544 nguyện vọng xét tuyển ở 5 phương thức. Trong 55 chỉ tiêu hệ đại trà, có 25 chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp với 6 tổ hợp gồm A01, C00, D01, D04, D78, D83. Như vậy, trung bình ở mỗi một tổ hợp, có chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển.

Một nguyên nhân khác, theo bà Hương là thí sinh đăng ký vào ngành Báo chí có thể nhận thức rằng xã hội giờ đây là xã hội thông tin nên nhu cầu nguồn nhân lực là lớn. Thực tế, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này ngày càng mở rộng khi xuất hiện nhiều công việc mới liên quan đến viết nội dung, truyền thông chứ không chỉ trở thành nhà báo.

VÂN HẰNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-diem-chuan-nganh-bao-chi-cao-chot-vot-5696913.html