Vì sao điểm trúng tuyển vào nhóm ngành sư phạm cao vượt trội?

Cùng với các trường, đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm đã công bố điểm trúng tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy đợt 1 năm 2024. Một trong những nội dung được đông đảo bạn đọc và phụ huynh quan tâm là năm nay, nhóm ngành sư phạm tiếp tục có điểm chuẩn cao vượt trội. Phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi với Nhà giáo Ưu tú (NGƯT), PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, về vấn đề này.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên trong Lễ tốt nghiệp năm 2024 vừa được Nhà trường tổ chức.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên trong Lễ tốt nghiệp năm 2024 vừa được Nhà trường tổ chức.

P.V: Xin ông cho biết khái quát về quy mô đào tạo và công tác tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm năm 2024?

PGS. TS. Mai Xuân Trường: Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) là một trong 7 trường đại học sư phạm chủ chốt của cả nước. Trường đang đào tạo 13 ngành tiến sĩ, 26 ngành thạc sĩ (trong đó có 1 chương trình thạc sĩ liên kết quốc tế), 17 ngành đào tạo cử nhân (trong đó 15 ngành đào tạo giáo viên với 2 chương trình đào tạo định hướng chất lượng cao).

Các chương trình đào tạo của Trường đều được kiểm định bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội); chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Toán học và cử nhân Sư phạm Hóa học đã được kiểm định theo chuẩn AUN QA -Tổ chức đảm bảo chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN.

Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm tuyển sinh 17 ngành đào tạo đại học chính quy (trong đó có 2 ngành ngoài sư phạm), chỉ tiêu tuyển sinh là: 1.286 sinh viên. Hiện, quy mô đào tạo của Trường gần 4.500 sinh viên, giữ ổn định trong những năm học qua.

Bên cạnh đó, Trường đào tạo 558 học viên cao học và nghiên cứu sinh; đồng thời thực hiện công tác bồi dưỡng và đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của các địa phương.

Năm 2024, Trường thực hiện 7 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và kết quả thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kết quả đánh giá đầu vào đại học trên máy tính của Đại học Thái Nguyên (V-SAT-TNU); xét tuyển theo kết quả học bạ THPT; xét tuyển theo kết quả học bạ THPT kết hợp với kết quả thi năng khiếu; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kết hợp với kết quả thi năng khiếu; xét chuyển học sinh hoàn thành chương trình dự bị đại học và học sinh diện cử tuyển.

Từ năm 2024, Trường tổ chức thi năng khiếu để lấy kết quả xét tuyển đối với ngành Giáo dục thể chất và ngành Giáo dục mầm non.

P.V: Điểm chuẩn đầu vào các ngành đào tạo của Trường cao vượt trội là tín hiệu đáng mừng, bởi khi sinh viên ngành sư phạm được đào tạo phù hợp với yêu cầu thì sẽ có những người thầy tốt cho xã hội. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

PGS. TS. Mai Xuân Trường: Điểm chuẩn đầu vào năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm cao vượt trội, trong đó ngành Sư phạm Toán có điểm chuẩn 29,2 điểm (theo kết quả học bạ) và 26,32 điểm (theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024); các ngành còn lại có điểm chuẩn từ 25,52 điểm đến 28,90 điểm (theo kết quả học bạ), từ 23,95 đến 28,6 điểm (theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024).

Đây là tín hiệu đáng mừng và cho thấy các ngành đào tạo về sư phạm đã thu hút được nhiều sinh viên có kết quả học tập xuất sắc theo học. Đó cũng là một trong những cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Theo tôi, điểm đầu vào của nhóm ngành sư phạm đang vượt trội so là do: Đảng, Nhà nước đã quan tâm, có chính sách ưu đãi cho ngành Giáo dục và công tác đào tạo giáo viên, cụ thể là Nghị định 116/2020 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và chính sách về lương, phụ cấp nhà giáo hiện nay cũng có nhiều thay đổi tích cực, tạo dư luận tốt trong xã hội.

Bên cạnh đó, theo đánh giá khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tình trạng thiếu giáo viên phổ thông tại các địa phương và cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp rất lớn. Đối với kết quả khảo sát của Nhà trường, có trên 96% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, có những ngành tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 100%. Trong vài năm gần đây, các địa phương bắt đầu có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nên tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thêm nữa, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trung bình của một số môn cao hơn những năm trước.

P.V: Để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và động viên, khuyến khích sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, Nhà trường thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ cụ thể như thế nào đối với sinh viên, thưa ông?

PGS. TS. Mai Xuân Trường: Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Trường đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; có nhiều đổi mới về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá; tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên tích cực học tập, rèn luyện. Đồng thời chú trọng giảng dạy theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất người học; đẩy mạnh gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên với thực tế ở trường phổ thông.

Hiện, Trường Đại học Sư phạm đang thực hiện hỗ trợ sinh viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, với mức hỗ trợ học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí: 3,63 triệu/tháng x 10 tháng/năm học (trong cả khóa học 4 năm); chính sách học bổng khuyến khích học tập từ Quỹ học bổng (sử dụng bằng tối thiểu 8% của nguồn kinh phí bù học phí sư phạm, hỗ trợ chi học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên hệ đại học chính quy (chi 10 tháng/năm học) với 3 mức: Sinh viên đạt loại khá: 1,41 triệu đồng/tháng; loạt giỏi: 1,55 triệu đồng/tháng; loại xuất sắc: 1,7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó là thực hiện chi trợ cấp xã hội (12 tháng/1 năm học) với các mức: Sinh viên là dân tộc vùng cao; vùng 135: 140 nghìn đồng/tháng; sinh viên là hộ nghèo, con mồ côi: 100 nghìn/tháng; hỗ trợ sinh viên là dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo: 1,404 triệu đồng/tháng (mức chi: 60% x 2.340.000đ, trong 10 tháng/năm học); sinh viên là dân tộc thiểu số rất ít người: 2.34 triệu đồng/tháng (chi 12 tháng/năm học).

Đặc biệt, Nhà trường còn thực hiện hỗ trợ người học thông qua các quỹ: Quỹ “Phát triển khoa học và công nghệ”, Quỹ “Hỗ trợ người học”, Quỹ học bổng Vallets, Henssen, Panasonic...

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202408/vi-sao-diem-trung-tuyen-vao-nhom-nganh-su-pham-cao-vuot-troi-d47096c/