Vì sao doanh nghiệp xe buýt Hà Nội ít khách, nợ ngân hàng gia tăng?
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, lượng khách đi xe buýt tại Hà Nội đang giảm sốc. Cùng với đó là tình trạng nợ ngân hàng gia tăng vì nhiều tuyến buýt chưa được thanh toán tiền trợ giá từ đầu năm đến nay. Trước tình cảnh này, lãnh đạo các doanh nghiệp đấu thầu dịch vụ xe buýt đang như 'ngồi trên đống lửa'.
Khách đi xe buýt chỉ bằng 60% cùng kỳ năm trước
Trong báo cáo mới nhất gửi tới UBND thành phố, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 8-2020, qua khảo sát trên toàn hệ thống, một số chỉ tiêu (lượt xe, sản lượng, doanh thu, chi phí, trợ giá) đối với 104 tuyến buýt trợ giá cơ bản không đạt so với kế hoạch năm 2020 và cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt (giảm 26,8% so với cùng kỳ), trong đó xe buýt trợ giá đạt 203,4 triệu lượt hành khách (đã bao gồm khách đi xe buýt miễn phí), giảm 23,8% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 291,1 tỷ đồng, giảm 45,9% so với kế hoạch năm 2020…
Theo tìm hiểu, có những thời điểm, lượng khách đi xe buýt còn giảm hơn nhiều. Báo cáo của Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco cho biết, do tác động của dịch COVID-19, lượng khách đi xe buýt 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, lượng vé lượt chỉ đạt 73% so với kế hoạch, vé tháng đạt 72,1% so với kế hoạch và bằng 58,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đợt dịch bùng phát tại Hà Nội, từ ngày 22/3, đơn vị đã cắt giảm 20% số chuyến (trên 1.000 lượt/ngày). Từ ngày 27/3 đã cắt giảm 80% số chuyển (trên 7.500 lượt) và từ ngày 28-3 đã tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe buýt.
Thời gian cao điểm dịch COVID-19, khoảng 6.000 cán bộ, công nhân viên của đơn vị này phải nghỉ việc ở nhà. Do Transerco không nằm trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ nên đơn vị đã phải tự huy động nguồn lực hỗ trợ chi trả lương cho người lao động. Lượng khách đi xe buýt sụt giảm nghiêm trọng khiến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ này “đứng ngồi không yên” vì chi phí, khoản trợ giá vẫn như cũ trong khi doanh thu lại sụt giảm nghiêm trọng.
Mới đây nhất, Công ty CP Vận tải ôtô Hà Tây là đơn vị đầu tiên “kêu cứu” về nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 (Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai) do thu không đủ bù chi. Ngoài nguyên nhân lượng khách sụt giảm vì COVID-19, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đề cập đến tình trạng hụt thu do thành phố quyết định miễn phí cho người cao tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc lượng khách vẫn thế nhưng doanh thu giảm đi (vì những người cao tuổi được miễn phí). Thống kê cho thấy, sau khi thành phố thực hiện chính sách miễn phí cho người cao tuổi và hộ nghèo, đã có trên 330.000 thẻ miễn phí được cấp. Điều này tương ứng với 330.000 người không sử dụng vé tháng và vé lượt hàng ngày.
Vay ngân hàng cả trăm tỷ đồng để duy trì dịch vụ xe buýt
Trong khi khách ngày một giảm, thì đến gần hết năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được thanh toán khoản trợ giá từ quý đầu năm và hàng tháng vẫn phải “è cổ” trả lãi vay ngân hàng khoản vay duy trì hoạt động.
Tại Công ty CP Xe điện Hà Nội, mỗi tháng, hơn 140 xe buýt của doanh nghiệp này vận chuyển cả vài trăm nghìn lượt hành khách đi lại trên 8 tuyến buýt được đặt hàng. Thống kê cho thấy, ngoài chi phí của doanh nghiệp, mỗi tháng TP Hà Nội sẽ phải trợ giá (cho người dân để giảm giá vé xe buýt) khoảng 16 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, đến giờ, Hà Nội vẫn chưa chi trả cho doanh nghiệp khoản tiền này.
“Để việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn, chúng tôi phải vay ngân hàng 50 tỷ đồng. Cứ ngỡ sau vài tháng sẽ được thanh toán, tuy nhiên, đến cuối tháng 11 vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực nào”, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội chia sẻ.
Được biết, Công ty CP Xe điện Hà Nội chỉ là 1 trong 7 đơn vị đang phải đối mặt với tình trạng trên. Lãnh đạo các doanh nghiệp như: Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Công ty CP Xe khách Hà Nội, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh, Chi nhánh Công ty TNHH Bắc Hà, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, Công ty CP Vận tải Newway cũng đang “đứng ngồi không yên” vì tiền mãi chưa được thanh toán, mà lãi ngân hàng chưa tháng nào được thiếu.
Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.“Với lãi suất từ 7 - 8%/năm, nếu thành phố và các bộ ngành có liên quan không sớm tháo gỡ, nguy cơ sụp đổ, dừng chạy của nhiều tuyến buýt Hà Nội sẽ xảy ra”, ông Thông e ngại.
Lý giải việc chậm trả của UBND TP Hà Nội, ông Thái Hồ Phương cho hay, thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, 68 tuyến buýt đang thực hiện đặt hàng năm 2019 phải chuyển sang hình thức đấu thầu trong năm 2020.
Do phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lựa chọn và dự thầu với nhiều bước, tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, để đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng được liên tục, UBND TP Hà Nội cho phép 68 tuyến buýt tiếp tục hoạt động ổn định, bình thường từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2020 (đến khi lựa chọn được nhà thầu theo quy định).
Ông Phương thông tin thêm, hiện UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu thanh toán cho các đơn vị đảm bảo theo đúng quy định hiện hành. Sau khi được được UBND thành phố và liên ngành chấp thuận và hướng dẫn, Trung tâm sẽ thành toán cho các đơn vị theo đúng quy định.
“Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành tham mưu thành phố có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù đối với Hà Nội đồng thời chủ động đề xuất, báo cáo UBND thành phố cho phép thanh quyết toán kinh phí trợ giá xe buýt quý I/2020 đối với 68 tuyến”, ông Phương cho hay.