Vì sao đội máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện ở Serbia?

Cuối tuần qua, Serbia, quốc gia đồng minh của Nga, được cho là đã bí mật tiếp nhận một hệ thống phòng không hiện đại của Trung Quốc, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại rằng việc tập hợp vũ khí ở vùng Balkan và xung đột ở Ukraine sẽ đe dọa nền hòa bình mong manh ở khu vực. Trong khi đó, Hàn Quốc từ chối đề nghị cung cấp vũ khí phòng không cho Ukraine.

Ngày 10/4, báo chí và các chuyên gia quân sự nói rằng 6 chiếc máy bay vận tải Y-20 của Không quân Trung Quốc hạ cánh xuống một sân bay dân sự ở Belgrade vào sáng sớm 9/4, cho rằng đội máy bay này mang theo các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22 để bàn giao cho quân đội Serbia.

Đội máy bay vận tải mang ký hiệu quân sự của Trung Quốc được chụp ảnh khi đang đậu tại sân bay Nikola Tesla ở thủ đô của Serbia. Bộ Quốc phòng Serbia chưa phản hồi bình luận về thông tin này. “Những chiếc Y-20 gây chú ý vì chúng đi cùng nhau. Sự hiện diện của chúng ở châu Âu là diễn biến khá mới”, tạp chí trực tuyến Warzone đưa tin. Chuyên gia quân sự Serbia Aleksandar Radic cho rằng Trung Quốc đã có màn “phô trương lực lượng”.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic xác nhận việc bàn giao hệ thống tên lửa tầm trung mà hai bên đã nhất trí từ năm 2019. Hôm 10/4, Tổng thống Vucic nói rằng ông sẽ trưng bày “niềm tự hào mới nhất” của quân đội Serbia trong ngày 12 hoặc 13/4. Trước đó, ông phàn nàn rằng các quốc gia thuộc NATO, bao gồm láng giềng của Serbia, từ chối cho phép thực hiện các chuyến bay vận tải đi qua lãnh thổ của họ vì xung đột Nga - Ukraine hiện nay. Serbia từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga.

Năm 2020, giới chức Mỹ cảnh báo Belgrade chớ mua hệ thống phòng không HQ-22 của Trung Quốc, với phiên bản xuất khẩu được đặt tên là FK-3. Washington cho rằng nếu muốn trở thành thành viên Liên minh châu ÂU (EU) và các liên minh khác của phương Tây, Serbia phải mua sắm thiết bị quân sự phù hợp với tiêu chuẩn của phương Tây.

Các chuyên gia nói rằng 6 chiếc Y-20 của Không quân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay dân sự gần thủ đô Belgrade của Serbia vào sáng sớm 9/4Ảnh: AP

Các chuyên gia nói rằng 6 chiếc Y-20 của Không quân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay dân sự gần thủ đô Belgrade của Serbia vào sáng sớm 9/4Ảnh: AP

Hệ thống HQ-22 của Trung Quốc được so sánh với hệ thống Patriot của Mỹ và S-300 của Nga, dù có tầm ngắn hơn. Serbia sẽ là nước đầu tiên ở châu Âu trang bị hệ thống tên lửa Trung Quốc. Serbia từng có chiến tranh với các nước láng giềng trong những năm 1990. Quốc gia này đang tăng cường trang bị cho các lực lượng vũ trang bằng vũ khí của Nga và Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng và các phương tiện khác. Năm 2020, Serbia tiếp nhận lô máy bay không người lái Chengdu Pterodactyl-1, còn gọi là Wing Loong. Dòng máy bay này có thể mang theo bom và tên lửa, hoặc dùng để trinh sát.

New Zealand điều máy bay, chuyên gia hỗ trợ Ukraine

New Zealand sẽ cử một máy bay vận tải đa năng Hercules và một nhóm gồm 50 thành viên giàu kinh nghiệm đến châu Âu để hỗ trợ Ukraine, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, thông báo ngày 11/4. Chiến dịch hỗ trợ Ukraine trong 2 tháng còn bao gồm 8 chuyên gia hậu cần làm việc tại Đức và gói hỗ trợ tài chính 13 triệu đô la New Zealand (8,8 triệu USD) để cùng với Anh mua vũ khí và đạn dược. Bà Ardern nói rằng sự hỗ trợ này sẽ giúp quân đội Ukraine đối phó quân Nga.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern

Ảnh: NZME

Máy bay Hercules dự kiến khởi hành ngày 13/4 nhưng sẽ không đến Ukraine mà hoạt động trên khắp châu Âu để chở trang thiết bị và hàng hóa tiếp tế đến các trung tâm phân phối. Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta nói rằng, hoạt động này thể hiện cam kết của New Zealand nhằm tham gia vào nỗ lực hỗ trợ quốc tế dành cho Ukraine.

Phương Tây đang tính toán xem nên viện trợ quân sự cho Ukraine đến mức nào, khi chiến dịch quân sự của Nga có vẻ đang rẽ sang hướng mới. Với sự hỗ trợ của tên lửa phòng không và chống tăng từ phương Tây, Ukraine đã giữ được thủ đô Kiev và chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Nga vừa giao một vị tướng mới chỉ đạo chiến dịch và đang tập hợp lực lượng ở miền đông Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tập trung; phương Tây cho rằng sức chống chịu của quân Ukraine sẽ bị kéo căng hơn bao giờ hết.

Sự thay đổi về chiến lược của Nga buộc phương Tây phải tính toán mức độ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Kiev, CNN đưa tin. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đang chạy đua với thời gian để đáp ứng danh sách các loại vũ khí mong muốn của Ukraine, đảm bảo rằng Kiev có tất cả những gì họ cần để đối đầu quân Nga.

Hàn Quốc từ chối đề nghị cung cấp vũ khí phòng không cho kieV

Hàn Quốc vừa từ chối đề nghị cung cấp vũ khí phòng không cho Ukraine vì nguyên tắc của Seoul là không cung cấp vũ khí sát thương cho quốc gia nào đang có chiến tranh, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc hôm 11/4 cho biết.

Vị quan chức giấu tên tiết lộ rằng đề nghị này được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Suh Wook hôm 8/4. “Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã đề nghị cung cấp vũ khí phòng không và Bộ trưởng Suh lịch sự nhắc lại quan điểm mang tính nguyên tắc của Chính phủ Hàn Quốc rằng chỉ viện trợ những mặt hàng phi sát thương”, vị quan chức nói với báo chí. Báo Chosun dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết ông Reznikov bày tỏ mong muốn Hàn Quốc cung cấp loại tên lửa đất đối không vác vai Shingung, với tên quốc tế là Chiron.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc ngày 11/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị Seoul hỗ trợ vũ khí, khí tài để giúp Kiev chống lại Nga, Yonhap đưa tin. Trong phát biểu trực tuyến, ông Zelensky cho biết Ukraine cần nhiều khí tài, bao gồm máy bay và xe tăng. “Hàn Quốc có thể giúp Ukraine. Hàn Quốc có khí tài quân sự có thể ngăn chặn tàu và tên lửa Nga”, ông nói. Ông Zelensky nhắc lại sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1950-1953.

Ukraine đã nhận được khoảng 25.000 vũ khí phòng không từ Mỹ và các đồng minh để ngăn quân Nga chiếm ưu thế trên không nhằm hỗ trợ lực lượng dưới mặt đất, một vị tướng của Mỹ cho biết tuần trước. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cũng cho biết Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine 60.000 tên lửa chống tăng.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/4 tuyên bố, quân đội nước này đã phóng tên lửa Kalibr phá hủy 4 bệ phóng S-300 được giấu trong một nhà kho ở ngoại ô thành phố Dnipro của Ukraine. Theo Mátxcơva, hệ thống S-300 này được một quốc gia châu Âu viện trợ cho Ukraine.

Bình Giang (theo AP, Yonhap, SCMP, Reuters, CNN, RT)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-doi-may-bay-quan-su-trung-quoc-xuat-hien-o-serbia-post1430017.tpo