Vì sao đội quân của tướng Hemedti nói 'binh sĩ Ai Cập đã đầu hàng'
Ai Cập đang cẩn trọng dõi theo cuộc giao tranh giữa quân đội và lực lượng RSF ở Sudan, song quốc gia láng giềng hùng mạnh này dường như không thể đưa ra một quan điểm rõ ràng.
Sau khi các cuộc đụng độ nổ ra ở Sudan, Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) đã chia sẻ một video cho thấy các binh sĩ Ai Cập ở thị trấn Melowe, trên tuyến đường từ biên giới Sudan - Ai Cập đến thủ đô Khartoum. RSF cho biết những binh sĩ này đã “đầu hàng”, theo Aljazeera.
Những hình ảnh này khiến công chúng Ai Cập phẫn nộ. Một số người coi đây là “sự sỉ nhục” và yêu cầu lực lượng vũ trang can thiệp để giải cứu các binh sĩ, song chính phủ Ai Cập đang kêu gọi kiềm chế.
Trong bài viết trên BBC, nhà báo Magdi Abdelhadi nhận định dù nhận thức rõ khả năng chịu thêm gánh nặng nếu xung đột kéo dài tại Sudan, Ai Cập đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Quốc gia láng giềng này vốn sát cánh với một trong hai bên tham chiến - quân đội Sudan. Trong khi đó, phía bên kia, lực lượng RSF dưới quyền của tướng Mohamed Hamdan "Hemedti" Dagalo, được hậu thuẫn bởi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - nhà tài trợ lớn cho Ai Cập.
Tiến thoái lưỡng nan
Ai Cập đã tiếp nhận khoảng 5 triệu người Sudan chạy trốn khỏi cảnh nghèo đói hoặc chiến tranh. Hai quốc gia có một thỏa thuận tự do đi lại, cho phép người dân từ hai phía vượt biên để sinh sống và làm việc.
Trong những năm gần đây, số lượng người Sudan ở thủ đô Ai Cập đã tăng rõ rệt. Theo cây bút Abdelhadi, du khách có thể bắt gặp người Sudan ở khắp thủ đô Cairo. Họ làm việc trong siêu thị, cửa hàng tạp hóa nhỏ, nhà hàng hoặc người giúp việc trong các gia đình địa phương.
Sự gia tăng rõ rệt đến mức chỉ trong một năm, hai bến xe buýt đặc biệt đã mọc lên ở trung tâm Cairo. Người Ai Cập gọi vui những địa điểm này là "sân bay của người Sudan".
Một thanh niên người Sudan nói với Abdelhadi rằng anh phải mất 3 ngày và 800 bảng Ai Cập (tương đương 26 USD) để đến Khartoum. Thủ đô này ước tính có khoảng 25 chuyến xe buýt giữa Khartoum và Cairo hàng ngày, với khoảng 37.000 lượt khách/tháng.
Những con số này có thể dễ dàng tăng lên nếu cuộc chiến giữa quân đội Sudan và lực lượng RSF không sớm kết thúc. Song đó không phải lý do duy nhất khiến nền hòa bình và ổn định ở Sudan quan trọng đối với Ai Cập.
Một chế độ yếu kém ở Khartoum, hoặc sự xuất hiện của một trật tự chính trị khác bất lợi với Cairo, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ai Cập từ lâu đã coi Sudan là một đồng minh không thể thiếu trong cuộc tranh chấp kéo dài với Ethiopia về đập thủy điện Đại Phục hưng. Ai Cập mô tả dự án thủy điện khổng lồ trên sông Nile ở miền Bắc Ethiopia là một mối đe dọa, vì con đập có khả năng kiểm soát dòng chảy quan trọng với nước này.
Phía Sudan lúc đầu kỳ vọng đập thủy điện sẽ giúp cải thiện khả năng kiểm soát lũ lụt. Nhưng đến tháng 6/2020, chính phủ nước này lại cảnh báo cuộc sống của hàng triệu người bị đặt trước "rủi ro nghiêm trọng" nếu quốc gia thượng nguồn sông Nile đơn phương tích nước cho đập thủy điện.
Song bất chấp tầm quan trọng của Sudan với các lợi ích chiến lược của Ai Cập, chính phủ Tổng thống Abdul Fattah al-Sisi dường như khá chật vật khi đưa ra phản ứng đáng tin cậy trước tình hình hỗn loạn ở Khartoum.
Chỉ sau khi có thông tin cho rằng một số binh sĩ của họ bị RSF bắt giữ, quân đội mới đưa ra một tuyên bố ngắn gọn. Hai ngày sau, Tổng thống Sisi cho biết Ai Cập sẽ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột và đề nghị làm trung gian hòa giải.
Tuy nhiên, ít người tin vào sự chân thành đằng sau lập trường trung lập này. Rõ ràng Ai Cập từng phối hợp chặt chẽ với quân đội Sudan. Các binh sĩ Ai Cập đang bị RSF bắt giữ cũng là những người từng tham gia tập trận chung giữa quân đội hai nước.
Nhiều nút thắt
Song cây bút Abdelhadi cho rằng Ai Cập có lý do chính đáng khi không công khai đứng về một bên trong xung đột. Điều này một phần là do bối cảnh chính trị phức tạp ở Sudan và sự tương đồng rõ rệt trong các diễn biến gần đây ở hai nước.
Cả Ai Cập và Sudan đều đã có những cuộc chính biến riêng, dưới thời cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm 2011 và cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vào năm 2019. Trong cả hai trường hợp, quân đội đóng vai trò quyết định trong việc phế truất nguyên thủ quốc gia.
Tại Ai Cập, quân đội đã cản trở quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Đó là lý do giới tinh hoa chính trị Sudan lo sợ quân đội Ai Cập sẽ khuyến khích quân đội Sudan làm điều tương tự.
Về mặt công khai, quân đội Sudan tiếp tục tuyên bố binh sĩ của họ sẽ không ngăn cản quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, Lực lượng vì Tự do và Thay đổi - dẫn đầu cuộc chính biến năm 2019 - không tin vào cam kết này.
Các lựa chọn của Ai Cập bị hạn chế hơn nữa bởi thực tế là nước này đang trong một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.
Đồng tiền của họ đã mất gần một nửa giá trị so với đồng USD. Lạm phát tăng phi mã và tình trạng nghèo đói gia tăng, khiến Ai Cập đứng trước nguy cơ vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài khổng lồ vào cuối năm nay.
Trong khi đó, một trong những bên ủng hộ tài chính quan trọng của Tổng thống Sisi ở vùng Vịnh - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - được cho là ủng hộ RSF. Vì vậy, ông Sisi sẽ gặp khó khăn nếu muốn đứng về phía quân đội Sudan trong cuộc xung đột.
Đối với Ai Cập, mọi lựa chọn đều đầy rủi ro. Sự can thiệp mạnh mẽ có thể phản tác dụng, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của nước này.
Với bài học từ cuộc nội chiến ở Libya, Ai Cập chắc hẳn đang cố giảm thiểu rủi ro, tránh đánh cược trong xung đột. Tuy nhiên, việc né tránh hành động cũng có thể không hiệu quả về lâu dài.