Vì sao động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria lại gây thương vong vô cùng lớn?
Tính đến 9h30 sáng 7/2, số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đã tăng lên hơn 4.300 người.
Con số thương vong được dự báo tiếp tục tăng cao do nhiều người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát. Những con số thống kê thương vong, thiệt hại về người và của dường như tăng theo từng giờ khiến người dân địa phương cũng như toàn thế giới bàng hoàng.
Theo hãng tin AFP, có rất nhiều nguyên nhân khiến trận động đất gây thương vong lớn như vậy. Trước hết, đây là một trong những trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1939 và xảy ra tại khu vực đông dân cư.
Một lý do khác khiến con số thương vong tăng cao là do trận động đất xảy ra vào 4h17 sáng 6/2, thời điểm người dân còn đang ngủ nên bị bất ngờ và không kịp chạy khi nhà cửa đổ sập, theo ông Roger Musson, nhà nghiên cứu tại cơ quan Khảo sát Địa chất Anh.
Đặc biệt, dù đây là khu vực có nguy cơ cao xảy ra các trận động đất mạnh nhưng cấu trúc các tòa nhà trong khu vực không đủ sức chống chịu trước thiên tai, ông Musson cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở một trong những khu vực thường xuyên xảy ra động đất nhất thế giới. Năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ từng hứng chịu trận động đất mạnh dọc theo đường đứt gãy North Anatolian ở khu vực Duzce khiến hơn 17.000 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, trận động đất ngày 6/2 xảy ra ở khu vực khác, dọc đường đứt gãy East Anatolian và trong hơn 2 thế kỷ qua, chưa có trận động đất cường độ mạnh tới 7 độ Richter nào xảy ra tại đường đứt gãy East Anatolian này nên người dân có thể đã xao nhãng và tạm quên rằng họ đang sống tại khu vực có nhiều biến động về địa chất.
Ông Musson cho rằng trận động đất ngày 6/2 dường như tái hiện lại trận động đất mạnh 7,4 độ Richter xảy ra tại cùng khu vực vào ngày 13/8/1822. Trận động đất năm đó gây thiệt hại nặng nề, phá hủy toàn bộ nhiều thị trấn với con số thương vong lên tới hàng chục nghìn người. Dư chấn theo sau trận động đất vẫn tiếp diễn tại đây tới tận tháng 6/1823.
Bà Carmen Solana, nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Portsmouth, Anh cho rằng, ở những khu vực thường xuyên xảy ra động đất, việc xây dựng nhà cửa có khả năng chống chọi trước rung lắc có vai trò quan trọng để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại nếu thiên tai ập đến.
Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá cơ sở hạ tầng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt tại Syria vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, do đó đã có hàng chục nghìn tòa bị sập khi động đất xảy ra.
Việc cứu sống các nạn nhân trong trận động đất hiện phụ thuộc chủ yếu vào công tác cứu hộ.
Sau trận động đất năm 1999, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ban hành quy định vào năm 2004, yêu cầu tất cả công trình mới xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn chống động đất.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục đặt yêu cầu xây dựng nhà cửa có khả năng chống chọi trước thiên tai là ưu tiên chính trị sau trận động đất khác xảy ra tại khu vực ven biển Aegean năm 2020 khiến 114 người thiệt mạng.
Bà Joanna Faure Walker - chuyên gia đang công tác tại Viện Giảm thiểu Rủi ro và Thảm họa tại Đại học College London - cho rằng sau thảm họa ngày 6/2, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần kiểm tra liệu hoạt động xây dựng nhà cửa đã tuân thủ quy định nghiêm ngặt hay chưa. Bà Walker cũng nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ cần cân nhắc cải thiện an toàn tại các tòa nhà lâu năm.
Trong khi đó, đánh giá về chất lượng công trình tại Syria, ông Bill McGuire, nhà nghiên cứu về núi lửa tại Đại học College London, cho rằng nhiều tòa nhà tại quốc gia này đã xuống cấp sau một thập kỷ xảy ra chiến tranh liên miên.
Một số hình ảnh hiện trường trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: