Vì sao đồng minh của Mỹ không phản ứng gay gắt như 10 năm trước
So với sự gay gắt và giận dữ hồi năm 2013, nhiều đồng minh của Mỹ lần này có phản ứng nhẹ nhàng hơn nhiều, dù tài liệu bị phát tán của Lầu Năm Góc tiết lộ Washington nghe lén họ.
Năm 2013, khi cả thế giới biết về kho tài liệu hoạt động gián điệp của Mỹ, chính phủ các nước đồng minh của Washington phản ứng rất nhanh chóng và nghiêm trọng.
Tại Berlin, hàng nghìn người xuống đường biểu tình. Người đứng đầu CIA tại Đức bị trục xuất. Thủ tướng Đức khi đó nói với tổng thống Mỹ rằng “việc giám sát bạn bè là điều không thể chấp nhận được”. Ở Paris, đại sứ Mỹ bị triệu tập. Tổng thống Brazil giận dữ hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington.
Câu chuyện gây rúng động một thập niên trước bắt nguồn từ cựu nhân viên tình báo Edward Snowden. Lần này, vụ tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị phát tán trên Internet một lần nữa cho thấy phạm vi tiếp cận rộng lớn của cơ quan tình báo Mỹ, ngay cả với đồng minh như Ai Cập, Hàn Quốc, Ukraine và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Mặc dù chủ yếu tập trung vào chiến sự Ukraine, tài liệu cũng bao gồm các bản tóm tắt thông tin tình báo của CIA, ghi lại cuộc thảo luận và kế hoạch của cấp lãnh đạo nhiều nước.
Những sự kiện này không chỉ tiết lộ cho thế giới khả năng tình báo của Mỹ, mà còn có thể gây ra những cú sốc ngoại giao và thiệt hại uy tín của Washington, theo New York Times.
Tuy nhiên, không giống năm 2013, các đồng minh của Mỹ dường như phớt lờ các hoạt động gián điệp lần này.
Dư luận không còn ngạc nhiên khi Mỹ nghe lén?
Các đối thủ của Mỹ tìm cách khai thác “khoảnh khắc khó xử” này của Washington. Chỉ vài tháng trước, Mỹ lên án Trung Quốc dùng “khí cầu do thám” thu thập thông tin trên nhiều lục địa.
Hôm 12/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lật ngược tình thế, nhấn mạnh Mỹ nợ cộng đồng quốc tế một lời giải thích cho “việc đánh cắp, giám sát và nghe lén bí mật bừa bãi các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả đồng minh”.
Ngược lại, chính phủ Ai Cập, Israel, Hàn Quốc và UAE gọi thông tin trong vụ rò rỉ là giả hoặc bịa đặt, hoặc không bình luận về hoạt động nghe lén của Mỹ. Phản ứng nhẹ nhàng lần này có thể là do nhiều người dần mất hứng thú với các hoạt động của cơ quan gián điệp Mỹ.
Chiến tranh Lạnh kết thúc khép lại kỷ nguyên vàng của hoạt động gián điệp, nhưng tài liệu ông Snowden phát tán vào năm 2013 tiết lộ thời đại gián điệp mới bắt đầu sau tháng 9/2001.
Với nỗi lo khủng bố và có những tiến bộ công nghệ vượt bậc, Mỹ đã tạo ra mạng lưới giám sát toàn cầu tinh vi, thu thập lượng dữ liệu khổng lồ từ hàng triệu email và cuộc gọi trên khắp thế giới.
Tình tiết này gây sốc cho nhiều người vào thời điểm đó. Nhưng hiện tại thì không tới mức vậy.
Charles Kupchan - cựu Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về châu Âu của Nhà Trắng - cho biết: “Tôi cho rằng phản ứng với vụ rò rỉ mới nhất này sẽ yên ắng hơn nhiều so với đợt Snowden.
“Ông Snowden tiết lộ bí mật” khi nói về toàn bộ quy mô giám sát của Mỹ trên toàn thế giới. Hiện, ở mức độ nào đó, việc Mỹ do thám các đồng minh là tin không mới, ông nói thêm.
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden có thể thở phào nhẹ nhõm trước những phản ứng này. Ông Barack Obama khi đó đã phải nỗ lực tìm cách “dọn dẹp” những hệ quả vụ rò rỉ gây ra.
Tin tức gây bùng nổ nhất có lẽ là việc NSA nhắm trực tiếp vào điện thoại của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Các đối thủ chỉ trích bà Merkel vì đã cho phép Mỹ “chà đạp lên chủ quyền Đức”, còn dư luận nước này sục sôi.
Hồi tháng 2/2015, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đức, ông Obama thừa nhận “không nghi ngờ gì nữa, những tiết lộ của ông Snowden đã tổn hại tới ấn tượng của người Đức với chính phủ Mỹ và hoạt động hợp tác tình báo giữa 2 nước”.
Giới chính trị Brazil cũng tức giận tương tự khi tài liệu tiết lộ NSA theo dõi email và điện thoại của Tổng thống Dilma Rousseff. Cuộc điện đàm kéo dài 20 phút cũng không đủ để ngăn bà Rousseff hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington. Ngay sau đó, bà đã chỉ trích Mỹ khi phát biểu tại Liên Hợp Quốc.
Về phần Pháp, NSA giám sát công dân, lãnh đạo trong giới kinh doanh và chính trị của nước này. Sau đó, Mỹ cũng bị phát hiện theo dõi tới 3 đời tổng thống Pháp. Ông Obama đã phải gọi cho Tổng thống François Hollande nhằm đảm bảo Washington không làm vậy với ông Hollande.
Thăm dò của Pew Research Center cho thấy sự kiện này đã ảnh hưởng tới hình ảnh Mỹ, nhưng không nghiêm trọng. Khảo sát tại 44 quốc gia ghi nhận sự phản đối rộng rãi với hoạt động gián điệp của Mỹ, với hơn 73% người được hỏi chọn không đồng tình với việc theo dõi các nhà lãnh đạo của họ.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama đã giảm ở Đức và Brazil. Dẫu vậy, nhìn chung, dư luận toàn cầu vẫn có cái nhìn tích cực với Mỹ.
Mỹ "thật xấu hổ vì phải theo dõi đồng minh"
Dù vẫn còn quá sớm để kết luận công chúng cảm thấy thế nào sau vụ tài liệu mật bị phát tán trên Internet, không có nhiều dấu hiệu cho thấy dư luận sẽ phản ứng dữ dội.
Benjamin Rhodes - cựu phó Cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Obama - cho rằng lý do chính khiến vụ việc Snowden gặp phản đối kịch liệt là vì Mỹ không chỉ nghe lén lãnh đạo thế giới mà còn theo dõi người dân bình thường. Điều này khiến nhiều người giận dữ bởi họ cảm thấy quyền riêng tư hàng ngày bị xâm phạm.
Ông Rhodes cũng nhận thấy “sự bình thường hóa những rò rỉ này”. “Đến thời điểm này, tôi không nghĩ có ai sẽ cực kỳ sốc khi biết Mỹ quan tâm tới quá trình ra quyết định ở những quốc gia này”, ông nói.
Hiện tại, cơn đau đầu chính trị rõ ràng nhất từ vụ rò rỉ là với Hàn Quốc. Có tài liệu chứa thông tin về các cuộc thảo luận nội bộ của giới chức Hàn Quốc về việc Mỹ gây áp lực thuyết phục nước này gửi vũ khí cho Ukraine. Điều này đi ngược với chính sách Seoul theo đuổi, cũng như có thể khiến Nga tức giận.
Giới lãnh đạo phe đối lập ở Hàn Quốc chỉ trích Mỹ vi phạm lòng tin với đồng minh và “vi phạm chủ quyền” của nước này.
Andrew Yeo - thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings - cho rằng vụ rò rỉ tài liệu mật chủ yếu gây ra vấn đề chính trị trong nước, khi đảng Dân chủ đối lập tìm cách chỉ trích chính quyền ông Yoon Suk Yeol.
Ông Yoon chủ trương liên minh chặt chẽ với Mỹ, trong khi người Hàn Quốc có thể tha thứ cho việc Mỹ nghe lén bởi nhìn chung nước này có cái nhìn tích cực về Washington.
“Tôi cho rằng vụ việc lần này không kích động phản ứng như đợt WikiLeaks, và cũng không gây tổn hại cho liên minh về lâu dài”, ông Yeo nói. “Điều xấu hổ hơn cả là khi Mỹ vẫn phải theo dõi đồng minh của mình”.