Vì sao đồng USD rớt giá mạnh trong thời gian qua?
Những bất ổn liên quan đến thương mại, nợ công tăng vọt và sự suy yếu niềm tin về 'chủ nghĩa ngoại lệ' của Mỹ đã gây áp lực lên tài sản của Mỹ, trong đó đồng USD là một trong những nạn nhân.

Đồng USD đã giảm hơn 10% so với mức đỉnh
Đã mất 10% giá trị
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan đối ứng cao ngất ngưởng đối với nhiều quốc gia vào ngày 2/4 đã khiến giới chuyên gia lo ngại khiến kinh tế Mỹ và toàn cầu suy thoái. Từ đó thúc đẩy các nhà đầu tư cắt giảm mức độ tiếp xúc với tài sản của Mỹ, trong đó có đồng USD.
Vừa phục hồi trở lại trong các phiên gần đây khi các nhà đầu tư lấy lại phần nào tinh thần trước việc Mỹ và Trung Quốc tạm dừng cuộc chiến thương mại, đồng bạc xanh lại tiếp tục chịu áp lực bán ra sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ.
Chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - đã giảm tới 10,6% so với mức cao nhất vào tháng 1, một trong những đợt lao dốc mạnh nhất trong lịch sử, khiến các nhà đầu cơ bán khống đồng USD với số tiền lên tới 17,32 tỷ USD, gần với vị thế bi quan nhất đối với đồng tiền này kể từ tháng 7 năm 2023, theo dữ liệu của CFTC.
Bức tranh tài chính dài hạn của Mỹ cũng là một nỗi lo. Các nhà phân tích cho biết, dự luật cắt giảm thuế toàn diện của Trump sẽ làm tăng thêm 3 nghìn tỷ đến 5 nghìn tỷ USD vào khoản nợ 36,2 nghìn tỷ USD của quốc gia này trong thập kỷ tới.
“Sự kết hợp giữa nhu cầu mua tài sản của Mỹ giảm sút và sự cứng nhắc của quy trình tài chính của Mỹ đã khóa chặt trong mức thâm hụt rất cao là điều khiến thị trường rất lo lắng”, George Saravelos - Giám đốc nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank, cho biết trong một lưu ý.
Một nguyên nhân nữa khiến đồng tiền dự trữ số một thế giới rớt giá mạnh là do đồng tiền này ở mức định giá tương đối cao, chỉ số USD Index trong tháng 1 cao hơn tới 22% so với mức trung bình 20 năm là 90,1. Hiện tại, chỉ số này vẫn đang cao hơn khoảng 10% so với mức trung bình 20 năm.

USD Index hiện đã giảm về quanh 100,36
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc
Steve Englander – Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu G10 tại Standard Chartered ở New York cho biết, mặc dù các thỏa thuận thương mại gần đây có thể làm dịu thị trường một chút, nhưng chúng không giải quyết được các vấn đề về niềm tin dài hạn mà Mỹ đang phải đối mặt. “Câu chuyện đồng USD yếu vẫn chưa kết thúc”, Englander cho biết.
Theo các nhà phân tích, hiện thế giới vẫn nắm giữ hàng nghìn tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu kho bạc Mỹ. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh mẽ cũng cho thấy, ngày càng nhiều người không còn xem đồng USD là nơi trú ẩn an toàn.
“Đó thực sự là điều khiến mọi người bị sốc... và nói rằng 'Ồ, nếu đồng USD không còn đóng vai trò là đồng tiền trú ẩn an toàn nữa, nếu nó không còn đa dạng hóa chúng ta nữa, thì chúng ta có thực sự nên nắm giữ nhiều như vậy không?”, Peter Vassallo - Giám đốc danh mục đầu tư ngoại hối tại BNP Paribas Asset Management cho biết.
Trong khi đó Colin Graham - Giám đốc chiến lược đa tài sản tại Robeco ở London cho biết, mặc dù đã có sự tái cân bằng danh mục đầu tư khi mọi người muốn cắt giảm rủi ro, nhưng “nó vẫn chưa biến thành việc mọi người bán USD, tài sản hoặc cổ phiếu hoặc trái phiếu Kho bạc Mỹ để hồi hương”. Nhưng ông cũng cảnh báo, điều đó vẫn có thể xảy ra.
“Có rất nhiều dư địa để mất giá thêm, chỉ xét về góc độ định giá", George Vessey - chiến lược gia vĩ mô và ngoại hối hàng đầu tại công ty thanh toán Convera cũng nhận định. Ông cho biết giao dịch “bán tài sản Mỹ” đã trở lại tâm điểm sau khi Moody's hạ cấp tín dụng Hoa Kỳ.
Có khả năng chỉ số này sẽ suy yếu đáng kể hơn nữa, ví dụ, một đợt trượt giá 10% nữa sẽ đưa chỉ số này xuống mức thấp nhất từng chạm tới trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.
Rủi ro suy giảm là rất lớn
Sức mạnh của đồng USD trong thập kỷ qua đã cho phép những người tham gia thị trường nắm giữ tài sản của Mỹ mà không phải lo lắng quá nhiều về rủi ro tiền tệ. Tuy nhiên việc nắm giữ tài sản của Mỹ ở nước ngoài lên tới hàng nghìn tỷ USD, theo ước tính của các ngân hàng, bao gồm cả Deutsche Bank, ngay cả một sự gia tăng khiêm tốn trong tỷ lệ phòng ngừa rủi ro - tỷ lệ tiếp xúc với ngoại tệ được bảo vệ - cũng có thể dẫn đến việc bán tháo đáng kể.
(Việc tăng cường phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư có nghĩa là nhu cầu trực tiếp đối với đồng USD ít hơn và áp lực bán USD nhiều hơn trên các thị trường kỳ hạn.
Hiện các nền kinh tế châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đã tích lũy được lượng lớn USD do xu hướng đầu tư thặng dư thương mại lớn trong nhiều thập kỷ. Một đợt tăng giá chưa từng có trong hai ngày của đồng tiền Đài Loan vào đầu tháng 5 đã cho các nhà đầu tư thấy rằng việc chạy trốn khỏi đồng USD Mỹ có thể làm xáo trộn thị trường như thế nào.
Stephen Jen và Joana Freire của Eurizon SLJ Capital cho biết trong một lưu ý vào đầu tháng 5 rằng việc tích trữ USD khoảng 2,5 nghìn tỷ USD của các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư tổ chức châu Á “gây ra rủi ro giảm mạnh đối với đồng USD so với các loại tiền tệ châu Á này”.
Tuy nhiên, một phản biện đối với câu chuyện đồng USD giảm giá là khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Nếu tăng trưởng kinh tế bất ngờ tăng, điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải giữ nguyên lãi suất lâu hơn và điều đó sẽ hỗ trợ đồng USD.
Jack McIntyre - Giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global lưu ý rằng, người tiêu dùng Mỹ vẫn kiên cường cho đến nay trước những vụ cá cược về sự suy yếu. Tuy nhiên, ông và những người khác có xu hướng bán ra đồng USD khi đồng tiền này tăng giá hơn là đặt cược vào sự phục hồi. “Câu chuyện này giống như đang tìm kiếm cơ hội bán USD khi đồng USD mạnh hơn hiện tại”, McIntyre cho biết.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/vi-sao-dong-usd-rot-gia-manh-trong-thoi-gian-qua-164486.html