Mở rộng không gian hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc

Với đường biên giới dài hơn 333 km, tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và nhiều cửa khẩu quốc gia và các cửa khẩu phụ, doanh nghiệp hai nước có cơ hội mở rộng không gian hợp tác xuất nhập khẩu.

Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng tại huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng tại huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Cao Bằng là một trong những địa phương ở Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển thương mại biên giới. Với đường biên giới dài hơn 333 km, tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, một khu vực phát triển năng động của miền Nam Trung Quốc, cùng với nhiều cửa khẩu quốc gia và các cửa khẩu phụ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu và giao thương qua biên giới.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng Hoàng Mạnh Ngọc cho biết, những năm qua, các doanh nghiệp của tỉnh Cao Bằng đã chủ động, tích cực trong thúc đẩy hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu qua biên giới. Phía Trung Quốc rất chú trọng về hạ tầng giao thông. Vì vậy, khi cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hoàn thành, việc phát triển thương mại giữa tỉnh Cao Bằng với các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có cơ hội tăng trưởng cao. Đặc biệt là ở các lĩnh vực thế mạnh như kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp, du lịch…

Qua các hoạt động giao lưu doanh nghiệp, hội chợ thương mại được tổ chức ở hai nước, các doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng đã giới thiệu thế mạnh, tiềm năng sẵn có và bày tỏ mong muốn thúc đẩy liên kết thương mại trên các lĩnh vực thế mạnh như có cơ hội hợp tác tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao cho việc trồng cây ăn quả cũng như chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp…
Về lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng mong muốn các doanh nghiệp du lịch của Trung Quốc tăng cường hỗ trợ truyền thông quảng bá các công viên địa chất của hai bên trên trang web, lập chuyên mục giới thiệu công viên địa chất và nghiên cứu, hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa hai bên trên tinh thần cởi mở, hữu nghị...
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mong muốn tìm kiếm đối tác và các các cơ hội đầu tư tại tỉnh Cao Bằng. Có mặt tại chương trình gặp gỡ, giao lưu doanh nghiệp giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), ông Chung Minh Khôn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty hữu hạn thực phẩm Bảo Thành (thành phố Tịnh Tây, Trung Quốc) cho biết, là một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và thương mại xuất khẩu nông sản mỗi năm, công ty được cấp hạn ngạch xuất khẩu 25.000 tấn rau củ và 35.000 tấn trái cây. Các sản phẩm rau củ, trái cây của công ty chủ yếu được xuất khẩu sang các nước ASEAN và các quốc gia khác.
Ngoài ra, công ty cũng đang phát triển hoạt động vận tải đường bộ quốc tế, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và hành khách qua biên giới. Công ty mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ trái cây và tìm kiếm nguồn nguyên liệu có trái cây tươi để tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc cũng như nhập khẩu các loại rau quả phục vụ dịch vụ chế biến sâu; tìm kiếm đối tác Việt Nam liên quan đến hoạt động xuất khẩu về nguyên liệu nhôm tái chế. Thành phố Bách Sắc là một trong những trung tâm công nghiệp nhôm tái chế quan trọng của Trung Quốc nên nhu cầu về nguyên liệu nhôm tái chế ở đây rất lớn, công ty mong có thể kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Ông Lưu Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Quảng Khang (thành phố Tịnh Tây, Trung Quốc) cho biết, công ty ông chuyên sâu trong lĩnh vực chế biến hạt điều; có nhà máy rộng 20.000 m2 với giá trị sản xuất hằng năm vượt 400 triệu NDT. Nguồn nguyên liệu chế biến của công ty chủ yếu được thu mua từ các khu vực phía Nam của Việt Nam thông qua các hợp tác xã, sau đó được thông quan biên giới qua cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang. Mỗi năm công ty thu hơn 10 tấn nguyên liệu hạt điều. Vì vậy, công ty mong được hợp tác với nhiều nhà cung cấp nguyên liệu hạt điều chất lượng cao hơn để cùng khai thác thị trường tiêu dùng của Trung Quốc và hy vọng việc thông quan tại cửa khẩu sẽ ngày càng thuận tiện để góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại giữa hai nước…
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt gần 800 triệu USD kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh từng bước tăng trưởng; trong đó, có những đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp thành phố Bách Sắc (Trung Quốc) và doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng với 4 lĩnh vực chính là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, khai thác, chế biến sâu khoáng sản và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thời gian tới hai bên đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng, trong đó tiếp tục khai thác tiềm năng thương mại song phương, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác thương mại điện tử thông qua đối thoại, hiệp thương, giải quyết thỏa đáng bất đồng thương mại, mở rộng hơn nữa không gian hợp tác cho doanh nghiệp hai bên…

Chu Hiệu/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mo-rong-khong-gian-hop-tac-cho-doanh-nghiep-viet-nam-trung-quoc/374200.html