Vì sao dự án đường 'nghìn tỷ' chưa thể bàn giao?
Dự án đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối Cảng hàng không Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có tổng mức đầu từ hơn 3.500 tỷ đồng. Sau nhiều năm thi công, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành, bàn giao như kế hoạch đề ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án đường từ Trung tâm TP Thanh Hóa nối với Cảng hàng không Thọ Xuân có tổng chiều dài 34,3km; điểm đầu Km0 tại nút giao ngã ba Nhồi thuộc phường An Hưng (TP Thanh Hóa), điểm cuối giao với QL.47 tại Km52+145 thuộc thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân.
Tuyến đi qua địa phận TP Thanh Hóa và 4 huyện (Đông Sơn, Triệu Sơn, Như Thanh, Thọ Xuân). Tuyến đường có tổng mức đầu tư là 3.567 tỷ đồng do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án được chia thành ba tiểu dự án: Tiểu dự án 1, được khởi công vào tháng 5/2019 (giai đoạn 1), là đoạn từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn dài hơn 11 km, tổng mức đầu tư là 1.485 tỷ đồng.
Tiểu dự án 2, là đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến ĐT.514 dài hơn 12km; tổng mức đầu tư gần 972 tỷ đồng. Tiểu dự án 3, là đoạn từ ĐT.514 đến Cảng hàng không Thọ Xuân dài 11km; tổng mức đầu tư là 1.109 tỷ đồng. Hai đoạn này được khởi công vào tháng 10/2020 (giai đoạn 2). Các nhà thầu thi công dự án gồm: Công ty Giao thông 1; Công ty Minh Tuấn, Công ty Hoàng Long; Công ty Huy Hoàng; Công ty Xuân Hưng và Công ty Tân Thành.
Dự án hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP Thanh Hóa đến Cảng hàng không Thọ Xuân, tạo thành trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển mở rộng TP Thanh Hóa về phía Tây, đồng thời là trục kết nối TP Thanh Hóa với tuyến cao tốc Bắc Nam, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực... Ngoài ra, tuyến đường cũng nằm trong lộ trình nâng cấp sân bay Thọ Xuân thành cảng quốc tế, dự phòng cho sân bay Nội Bài từ nay đến 2030.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dự án nói trên chưa hoàn thành bàn giao như mục tiêu đề ra ban đầu, nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn và vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
Có mặt tại phố Tân Hạnh, phường Đông Tân, TP Thanh Hóa chúng tôi ghi nhận được nhiều phản ánh của người dân liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của UBND TP Thanh Hóa về dự án từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn.
Ông Lê Duy Kẹo (phố Tân Hạnh, phường Đông Tân, TP Thanh Hóa) nói rằng: Trước đây khu vực này là cái ao sâu chứ không phải bằng phẳng như bây giờ, dự án lấy đất bao nhiêu thì trả lại cho dân bấy nhiêu, không thể lấy đất phía trước mà trả đất thừa phía sau như vậy được.
Bà Phạm Thị Mười (phố Tân Hạnh, phường Đông Tân, TP Thanh Hóa), cho rằng: Việc tính toán tim đường (QL47) vào đất ở của người dân không giống nhau, không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi đền bù của người dân. Ngoài ra, cách tính hệ số đền bù giữa các hộ cũng khác nhau, có nhà được nhân hệ số cao, nhà thì không nhân hệ số hoặc nhân hệ số thấp...
Hộ gia đình bà Loan, ông Quy (phố Tân Hạnh, phường Đông Tân, TP Thanh Hóa), phản ánh: Gia đình ông bà có đất đã được cấp bìa, tuy nhiên do bìa cấp thời kỳ trước nên số liệu chưa chính xác, bao năm nay gia đình vẫn sử dụng phần đất ổn định, không có tranh chấp nhưng khi đền bù đo lại đất thì thừa 52 m2, phần đất này không được Nhà nước đền.
Bà Loan bức xúc nói: “Thu không 52m2 của nhà tôi luôn, không được một đồng bạc, nhà tôi xây tường bao xung quanh lâu năm rồi, không tranh chấp, không lấn chiếm thế mà họ bảo nhà tôi lấn ra đường, lấn ra đường một vài mét thì còn được, sao mà lấn được những hơn 50 mét vậy?”. Bà Loan cho biết gia đình tiếp tục làm đơn, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ, bảo để đảm bảo quyền lợi cho gia đình.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Hùng - Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, cho biết: Trách nhiệm giải phóng mặt bằng dự án là của chính quyền địa phương, chủ đầu tư chỉ nhận mặt bằng thi công. Đến nay, Tiểu dự án 2 và Tiểu dự án 3 đang tạm đóng lại, từ nay đến 2025 tập trung vốn giải phóng mặt bằng.
Riêng Tiểu dự án 1 (tổng mức đầu tư 1.485 tỷ đồng), đoạn từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn dài hơn 11km, đến nay tiến độ dự án về xây lắp đạt 90%; tiến độ giải ngân vốn cũng đạt 90%. Tuy nhiên, đang vướng mặt bằng hai vị trí lớn là cụm Nhồi (155 hộ dân, trong đó đã phê duyệt dự toán 65 hộ thì 45 hộ đã nhận đền bù, còn 90 hộ chưa phê duyệt) và cụm Đồng Thắng (11 hộ dân chưa có tái định cư).
Theo ông Hùng, nguyên nhân việc chậm giải phóng mặt bằng là do một số người dân chưa đồng thuận với giá đền bù của Nhà nước. Hiện các địa phương cam kết đến 30/4/2023 sẽ bàn giao mặt bằng sạch, sau khi có mặt bằng, chỉ cần 4 -5 tháng thi công là hoàn thiện.