Vì sao du lịch Hưng Yên chưa tạo được dấu ấn?
Được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, nằm kế bên thị trường nguồn Hà Nội, nhưng bao năm qua, du lịch Hưng Yên vẫn chưa tạo được dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Phố Hiến hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, trong đó có di tích cấp quốc gia đặc biệt
Vậy con đường nào có thể giúp du lịch Hưng Yên cất cánh?
Không có biển, cũng chẳng có núi, nhưng đổi lại, Hưng Yên có quần thể di tích Phố Hiến cổ kính; hệ thống 1.802 di tích lịch sử văn hóa đậm đặc; 6 bảo vật quốc gia; hơn 400 lễ hội truyền thống. Nơi đây còn là quê hương của nhiều đặc sản nổi tiếng như gà Đông Tảo, nhãn lồng và nhiều làng rau, hoa, cây cảnh độc đáo như Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở.
Nằm bên thị trường nguồn khách du lịch Hà Nội, nhưng tiềm năng và thế mạnh du lịch của Hưng Yên vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả. Đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn rất thấp.
Tại cuộc bàn tròn xúc tiến du lịch Hưng Yên mới đây, ông Phạm Văn Hiệu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên thừa nhận, tầm nhìn quy hoạch, đầu tư cho du lịch còn thấp, chưa ổn định, thiếu tính lâu dài; sản phẩm du lịch chưa phong phú, trùng lặp; chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế…
Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel đánh giá, du lịch của Hưng Yên có quy mô nhỏ lẻ, manh mún và ở dạng phổ thông, không có sự đặc sắc, lại chưa được kết nối, sắp xếp chặt chẽ, khoa học, logic, nên chưa hấp dẫn.
Theo Quyết định số 1987/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên, định hướng đến năm 2025, diện tích trồng hoa của toàn tỉnh là 1.500 ha và diện tích cây cảnh là 1.000 ha. Với lợi thế nông nghiệp, nhất là các làng nghề trồng hoa, theo ông Tài, Hưng Yên có thể tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà vườn làm famstay, homestay cho du khách lưu trú. Như vậy sẽ tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch ở khu vực quanh Hà Nội và doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể thiết kế các tour 2 ngày 1 đêm, hoặc 3 ngày 2 đêm khám phá Hưng Yên, kết hợp với trải nghiệm làm nông nghiệp, check-in với hoa, trồng hoặc chăm sóc, thu hoạch rau cùng bà con.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Bích, CEO Mekong Rustic và Crystal Holidays cho rằng, tỉnh Hưng Yên cần chọn một sản phẩm trọng tâm để phát triển du lịch và nâng tầm, thể hiện nó trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo ông Bích, nếu xác định phát triển du lịch để phát triển kinh tế địa phương bền vững thì cần phải gắn ngành kinh tế xanh với lợi thế của địa phương.
“Tỉnh Hưng Yên có huyện Văn Giang và Khoái Châu có nghề hoa, cây cảnh đang mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương, bởi vậy cần làm du lịch gắn với làng nghề này và các sản phẩm OCOP. Ví dụ, có những cơ sở lưu trú tại vườn hoa, du khách đến ở, họ sẽ tự truyền thông, quảng bá cho điểm đến trên các mạng xã hội. Đây là cách làm du lịch hiệu quả nhất”, ông Bích nói.
Từ thực tế đưa du khách đến Hưng Yên, ông Đào Hồng Thương, Giám đốc Công ty Khung trời Việt cho hay, du khách rất thích trải nghiệm cùng bà con ra đồng chăm sóc rau vào buổi chiều tối, làm đồng cùng bà con. “Văn Giang là vựa rau lớn của miền Bắc, sản lượng hàng năm khoảng 7.000 tấn. Các công ty lữ hành có thể đưa vào tour các sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp đạp xe và đi bộ xuyên qua làng và khu trồng chuối, trồng ổi ven đê”, ông Thương gợi mở.
Đóng góp cho du lịch Hưng Yên, ông Hoàng Nghĩa Đạt, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần ISVN20 cho biết, tỉnh Saitama (Nhật Bản) có những đặc điểm rất giống Hưng Yên như nằm ngay cạnh Tokyo, không tiện cung đường vàng, không có biển, bị lấn át hoàn toàn so với các tỉnh bên cạnh. 20 năm trước, họ chưa có sản phẩm du lịch nào đáng “đồng tiền bát gạo”, chẳng ai chú ý đến du lịch cả. Sau đó chính quyền tỉnh quan tâm và đã tạo ra các sản phẩm rất riêng, đặc trưng và khác biệt, nên tỉnh này đã trở thành một trong những điểm đến thu hút được cả khách nội địa và quốc tế.
Hưng Yên cũng có thể ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam nếu được quan tâm đầu tư xứng tầm. Ông Đạt cho rằng, phát triển du lịch không thể trong ngày một, ngày hai, mà cần có lộ trình.
Con đường tạo dựng thương hiệu du lịch gắn với nông nghiệp, nhất là các làng nghề hoa, cây cảnh mà doanh nghiệp lữ hành hiến kế cho Hưng Yên là hướng đi đầy triển vọng. Ông Phạm Văn Hiệu cho biết, việc quy hoạch, xây dựng cảnh quan du lịch làng nghề để phát triển sản phẩm du lịch làng nghề hoa, cây cảnh gắn với các khu, điểm và tuyến du lịch đã được xác định tại Quyết định số 380/QĐ-UBND ngày 26/1/2018 của UBND tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, làng nghề hoa, cây cảnh đón được khoảng 200.000 - 400.000 lượt khách du lịch.
Phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp phù hợp với quy hoạch tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Song, các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch gắn với làng nghề hoa, cây cảnh ở Hưng Yên phải song hành với quá trình bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc trưng của địa phương, kiến tạo cảnh quan nông thôn giàu bản sắc mới có thể tạo đột phá và phát triển bền vững.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vi-sao-du-lich-hung-yen-chua-tao-duoc-dau-an-d167108.html