Vì sao đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được BHYT chi trả?
Những dịch vụ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú… đã được chứng minh mang lại hiệu quả điều trị và kinh tế rất lớn và được nhiều quốc gia chi trả từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế.
Theo bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng BHYT, Bộ Y tế, quá trình gần 15 năm thực hiện Luật BHYT đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh, nhất là đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng cao, đa dạng hơn nhưng chưa có quy định pháp lý đầy đủ để giải quyết.
Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi, thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả ba phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT; phạm vi dịch vụ được hưởng; mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi dự kiến sẽ điều chỉnh theo năm nhóm chính sách lớn, trong đó, nhóm chính sách quan trọng được nhiều bên quan tâm đó chính là việc "Mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT".
Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi về khám, chữa bệnh nhưng quỹ BHYT không chi trả như điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng; hay các dịch vụ khám sàng lọc, điều trị sớm bệnh tật mặc dù có nhiều bằng chứng về hiệu quả, tiết kiệm chi phí chưa được quỹ BHYT chi trả.
Như dịch vụ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú… đã được chứng minh mang lại hiệu quả điều trị và kinh tế rất lớn và được nhiều quốc gia chi trả từ nguồn Quỹ BHYT. Nhưng tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, việc sàng lọc và điều trị sớm chưa được quỹ BHYT chi trả. Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT trong bối cảnh nhu cầu càng cao nhưng nguồn tài chính quỹ còn hạn chế, đặc biệt việc xem xét mở rộng các quyền lợi về dịch vụ sàng lọc chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chính xác để lựa chọn được các dịch vụ có tính chi phí-hiệu quả nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Nhằm đồng bộ về chính sách với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vào năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT của người dân.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C…
Đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học và mô hình bệnh tật. Hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và cho thấy hiệu quả. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch…
Khi người bệnh vào điều trị nội trú do các bệnh ung thư, tim mạch, tiền thuốc, đặt stent cao gây chi phí rất lớn cho quỹ BHYT. Trong khi nếu được chẩn đoán sớm, điều trị ngay từ đầu, dùng thuốc sớm thì có thể giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ tăng nặng của bệnh. Bên cạnh đó, có thể đưa kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán các bệnh này về thực hiện tại y tế cơ sở tuyến xã, huyện. Đây là những kỹ thuật không khó, y tế cơ sở có thể thực hiện được, đồng thời mở rộng phạm vi dịch vụ BHYT chi trả cho y tế cơ sở.
Theo thống kê, trong năm 2022 quỹ BHYT đã chi trả 110 nghìn tỷ đồng cho khám, chữa bệnh bằng BHYT và ước tính năm 2023 là khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ước tính chi phí cho các bệnh ung thư chiếm khoảng 10%. Việc đưa danh mục chi trả sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh vào dự thảo Luật BHYT sửa đổi là một trong những điểm mới đang được Bộ Y tế xây dựng.