Vì sao Đức đề xuất mô hình nghĩa vụ quân sự mới?

Sau 13 năm đình chỉ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, vừa qua, Bộ Quốc phòng Đức đã đề xuất mô hình nghĩa vụ quân sự mới, được cho là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ đất nước.

Chọn lọc dựa trên nguyên tắc tự nguyện

Theo Kế hoạch được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đưa ra, mỗi năm Đức sẽ phát hành một biểu mẫu thông tin về sự sẵn lòng và khả năng phục vụ trong quân đội cho khoảng 400.000 nam thanh niên trên 18 tuổi. Nếu được chọn, họ sẽ phải trải qua đánh giá thể lực và kiểm tra y tế.

Ông Pistorius ước tính khoảng 1/4 trong số này có thể sẽ bày tỏ sự quan tâm đến nghĩa vụ phục vụ trong quân đội. Trong đó, 40.000 đến 50.000 sẽ được mời khám sức khỏe. Tuy nhiên, ông Pistorius cũng cho biết, lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) chỉ có khả năng đào tạo thêm 5.000 tân binh mỗi năm, mặc dù con số đó sẽ tăng lên trong những năm tới.

Mô hình mới này bao gồm nghĩa vụ quân sự cơ bản kéo dài 6 tháng và có thể tự nguyện lựa chọn phục vụ thêm nhưng không quá 17 tháng. Đây được cho là mô hình dựa trên phần lớn hệ thống của Thụy Điển, vốn là một “hình thức nghĩa vụ quân sự có chọn lọc dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng có chứa các yếu tố bắt buộc nếu cần thiết”.

Bundeswehr kỳ vọng mô hình này sẽ cải thiện khả năng tuyển dụng bằng cách xác định các ứng viên tiềm năng và khuyến khích đăng ký, thông qua một loạt các ưu đãi và cơ hội đào tạo, trong các lĩnh vực quan trọng vốn đang rất thiếu nhân lực như an ninh mạng và y khoa.

 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius (bên phải). Ảnh: EPA

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius (bên phải). Ảnh: EPA

Ông Pistorius cũng hy vọng kế hoạch này sẽ chính thức được triển khai vào năm 2025 và sẽ tuyển được 5.000 người vào quân đội. Chi phí ban đầu cho kế hoạch này khoảng 1,4 tỷ euro. Truyền thông Đức đưa tin, kế hoạch này sẽ khuyến khích thanh niên gia nhập quân đội bằng cách giảm, miễn học phí và sẽ không áp dụng mô hình nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Nghị sĩ Johannes Arlt thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đánh giá đây là "một sáng kiến chính trị rất sáng suốt, bởi nước Đức cần có thời gian để tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ đất nước và cũng để đóng góp vào thế trận phòng thủ chung của NATO". Một cuộc thăm dò do kênh truyền hình MDR của Đức công bố ngày 6-5 cho thấy 61% cử tri ủng hộ việc khôi phục chế độ tuyển quân.

Mô hình “không đủ tham vọng”

Từ năm 2011, Đức đã đình chỉ dự thảo nghĩa vụ quân sự vì cho rằng chế độ này là vô nghĩa và cản trở hàng trăm nghìn thanh niên đóng góp cho nền kinh tế. Vào cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Tây Đức từng có khoảng 500.000 binh sĩ tại ngũ. Tuy nhiên, do cắt giảm ngân sách và các yếu tố khác, số lượng quân Đức tiếp tục giảm trong hơn ba thập kỷ và ổn định ở mức khoảng 180.000 người từ năm 2013 đến nay. Đức từ lâu đã không thể đáp ứng mức "chi tiêu quân sự chiếm 2% GDP" theo yêu cầu của NATO. Tuy nhiên, năm ngoái nước này đã thông qua dự luật trợ cấp chi tiêu quân sự trị giá 100 tỷ euro, qua đó kỳ vọng đến năm 2028 sẽ dành 2% GDP cho các chi tiêu quân sự.

Vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius cũng trông chờ vào khoản chi phí này để đề xuất khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự mới. Ông Pistorius có kế hoạch mở rộng số lượng quân nhân tại ngũ ở Đức lên 203.000 người và số lượng quân dự bị lên 260.000 người vào năm 2031 để "tăng cường khả năng phòng thủ ở phía Đông", nhưng ông thừa nhận rằng không thể xác định khi nào điều này sẽ đạt được. Trong khi đó, các quan chức quân sự tin rằng họ cần tới 460.000 quân để bảo vệ nước Đức trong trường hợp bị tấn công.

Chính phủ Đức và các nhà phân tích độc lập cũng chỉ ra rằng, để duy trì đủ số lượng quân nhân, Đức cần tuyển mộ 25.000 người nữa. Do đó, phần lớn hoặc thậm chí toàn bộ số quân mới được tuyển dụng này cũng chỉ đủ để duy trì số lượng quân nhân hiện tại. Ngoài ra, việc dân số Đức giảm cũng sẽ khiến việc tuyển dụng trở nên khó khăn hơn.

Nhà phân tích Martin Elbe cho rằng, Quân đội Đức nên xem xét cải cách mô hình lính hợp đồng. Hiện tại, đa số binh sĩ sẽ chỉ phục vụ với tư cách lính hợp đồng tối đa là 17 năm và 2/3 số binh sĩ này không phải là quân nhân chuyên nghiệp.

Lực lượng vũ trang Đức đang gặp khó khăn trong tuyển dụng tân binh. Ảnh: Bundeswehr.de

Lực lượng vũ trang Đức đang gặp khó khăn trong tuyển dụng tân binh. Ảnh: Bundeswehr.de

Báo cáo của tạp chí Politician châu Âu ngày 12-6 chỉ ra rằng, mô hình nghĩa vụ quân sự mới là “không đủ tham vọng”. Theo đó, nếu Đức muốn thành lập một lực lượng phòng thủ đáng tin cậy thì cần ít nhất 272.000 quân nhân tại ngũ, trong khi kế hoạch của ông Pistorius “không có hy vọng đạt tới con số này”. Do những quy định của hiến pháp Đức, kế hoạch mới này sẽ không được quảng bá cho phụ nữ trẻ và trong tương lai phụ nữ sẽ tiếp tục tham gia quân đội trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Đức đã đặt mục tiêu đạt 20% phụ nữ trong quân đội nhưng hiện tại con số này chỉ là 13%. Với kế hoạch mới chỉ dành cho nam giới này, các nhà phân tích Đức tin rằng mục tiêu này có thể ngày càng khó đạt được.

Một vấn đề khác mà Đức phải đối mặt là việc mở rộng quân số cũng đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tương ứng. Bởi từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Bundeswehr đã thu hẹp đáng kể, dẫn đến việc dỡ bỏ các doanh trại, kho chứa đạn dược cũng như cơ sở quân sự trên quy mô lớn. Theo Eva Högl, Ủy viên Quốc phòng Bundeswehr, sự sụt giảm số lượng quân nhân do nguyên nhân trực tiếp từ sự sụt giảm chi tiêu quân sự. Bà ước tính chỉ riêng việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng sẽ tiêu tốn 50 tỷ euro, tương đương một nửa trong dự luật trợ cấp chi tiêu quân sự 100 tỷ euro của nước này.

Chính phủ Đức có những khác biệt lớn về việc có nên khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc hay không và làm thế nào để khôi phục nó. Thủ tướng Đức Scholz đã nhiều lần bày tỏ phản đối, cho rằng “không có cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nhiều binh sĩ như vậy”.

THANH SƠN (Theo Guancha.cn)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/vi-sao-duc-de-xuat-mo-hinh-nghia-vu-quan-su-moi-781237