Vì sao đường sắt Cát Linh vẫn chưa thể vận hành?
Báo cáo của Chính phủ cho thấy dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa chốt được ngày vận hành do vướng mắc trong khâu thanh toán và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Trong báo cáo dài 46 trang vừa gửi Quốc hội về tiến độ 6 tuyến đường sắt đô thị trên cả nước, Chính phủ đã dành 10 trang để báo cáo hiện trạng, lý giải nguyên nhân chậm trễ của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Trong 2 năm 2019 và 2020, đại diện Bộ GTVT đều lý giải nguyên nhân chậm trễ là do dự án chưa có chứng nhận an toàn hệ thống. Đến nay, sau 6 tháng kể từ ngày Tư vấn ACT hoàn tất cấp chứng nhận an toàn hệ thống, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hành.
Đi vào từng nguyên nhân cụ thể, Chính phủ cho biết dự án vẫn còn vướng mắc ở khâu thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Các vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ nghiệm thu, bàn giao.
Về việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT gặp khó khăn khi Tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài được chỉ định trong hiệp định vay. Họ cho rằng mình không có nghĩa vụ thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phi bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục...
Về công tác nghiệm thu, thanh toán, bàn giao dự án, Bộ GTVT đang chỉ đạo rà soát khối lượng hạng mục hoàn thành, tổ chức nghiệm thu, thanh toán, sớm bàn giao cho UBND Hà Nội khai thác sau khi có ý kiến của Hội đồng kiểm tra nghiệm thu Nhà nước.
Về công tác vận hành, khai thác dự án, tổng thầu EPC phải đưa các chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất, nhà cung cấp sang Việt Nam để thực hiện bảo hành thiết bị và mua sắm các vật tư dự phòng. Báo cáo của Chính phủ cho biết tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân sự của tổng thầu.
Đối với việc bố trí vốn trả nợ, thanh toán cho dự án, báo cáo của Chính phủ cho biết dự án chậm bàn giao cho UBND Hà Nội nên phía Hà Nội chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt.
Vừa qua, đến kỳ trả nợ, Bộ Tài chính phải ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay đã ký. Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao dự án cho UBND Hà Nội, làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để TP thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính.
Đồng thời, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục “trả nợ gốc các hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông" trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT để trả nợ gốc khoản vay lại của dự án.
Để tháo gỡ những vướng mắc của dự án, Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc. Đối với các tồn tại còn lại, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết dứt điểm.
"Với việc chậm tiến độ hoàn thành dự án để bàn giao cho UBND Hà Nội, các mục tiêu liên quan đến giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân chưa được giải quyết và gây ra những dư luận không tốt về dự án", báo cáo của Chính phủ kết luận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-duong-sat-cat-linh-van-chua-the-van-hanh-post1272306.html