Vì sao 'ế' đăng kiểm phương tiện đường thủy?
Theo lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm, việc đăng kiểm phương tiện đường thủy tại các trung tâm đăng kiểm gặp khó vì chủ phương tiện chưa có ý thức đi đăng kiểm.
Ông Đinh Quốc Vinh - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1, Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, đơn vị hiện nay có nhiệm vụ quản lý chuyên ngành và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa trên địa bàn TP Hà Nội và 16 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm trong phạm vi địa phương được Cục Đăng kiểm Việt Nam giao, Chi cục Đăng kiểm số 1 đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Vinh, khó khăn đầu tiên phải kể đến ý thức của người dân nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Một bộ phận khá lớn chủ phương tiện trong địa bàn Chi cục Đăng kiểm số 1 quản lý là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc. Mức độ nắm bắt quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, quy định đăng ký, đăng kiểm của chủ phương tiện, chủ cơ sở đóng, sửa tàu, thuyền có nhiều hạn chế.
“Người dân không hiểu bản chất đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, chứng nhận về điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho phương tiện của chính họ, nhất là trước các diễn biến bất thường, phức tạp như mưa, gió, dông, bão, quá tải khi khai thác, vận hành tàu, thuyền”, ông Vinh nói.
Bên cạnh, khi sử dụng phương tiện, người dân thường xuyên thay đổi thông số kỹ thuật và công dụng phương tiện như thay động cơ, kích thước, chuyển đổi công dụng từ chở hàng thành chở người khi vào mùa lễ hội và ngược lại khi vào mùa vụ khai thác nông sản, …
Ngoài khó khăn trên thì việc thu phí đăng kiểm rất vất vả do phần nhiều chủ phương tiện nhỏ loại dân sinh, gia dụng là người dân tộc thiểu số miền núi, đồng bào nghèo. Đời sống của chủ phương tiện rất khó khăn, nên việc thu giá, lệ phí đăng kiểm cũng ít nhiều bị ảnh hưởng đặc biệt là giá đăng kiểm phương tiện lần đầu. Hiện nay có gần 200 phương tiện loại nhỏ, vào đăng kiểm lần đầu năm 2021, Chi cục Đăng kiểm số 1 đã lập hồ sơ, in giấy chứng nhận nhưng người dân không nhận do phải trả giá đăng kiểm.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian qua, các đơn vị chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các chủ thuyền có điều kiện làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm. Đặc biệt, các cơ quan đăng ký đã phối hợp với nhiều cơ quan liên ngành tăng cường tuyên truyền các chủ phương tiện về các quy định của pháp luật cũng như các điều kiện về an toàn giao thông đường thủy. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân vẫn còn một bộ phận không nhỏ chủ thuyền vẫn chưa tiến hành đăng ký, đăng kiểm như quy định.
Đề tăng cường các giải pháp nâng cao việc đăng kiểm các phương tiện thủy, qua đó nâng cao an toàn giao thông đường thủy, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, Cục đã làm việc với các địa phương về hoạt động đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Hàng năm, Cục Đăng Kiểm Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra các điểm nóng về phương tiện thủy giao thông thủy nội địa.
Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, quá trình kiểm tra xác định có 169/260 tàu chở khách trong khu vực lòng hồ chưa đảm bảo điều kiện hoạt động.
Trong tổng số 260 tàu hoạt động tại lòng hồ Hòa Bình, có 99 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; 70 phương tiện chưa được đăng kiểm lại; chỉ có 91 phương tiện đủ điều kiện hoạt động.
Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng yêu cầu chủ tàu và các đơn vị liên quan không cho các tàu không đủ điều kiện xuất bến.
Nghị định 139/2021/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, thay thế Nghị định số 132/2015), phương tiện thủy không có giấy chứng nhận đăng ký hoặc dùng giấy đăng ký không do cơ quan thẩm quyền cấp hoặc không mang theo đăng ký phương tiện bị phạt 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, phương tiện đường thủy tham gia giao thông mà không có giấy chứng nhận đăng kiểm; mượn, thuê, cho mượn, cho thuê thiết bị, dụng cụ để được đăng kiểm; dùng chứng nhận đăng kiểm hết hạn hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tùy theo loại phương tiện, bị phạt từ 3-20 triệu đồng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-e-dang-kiem-phuong-tien-duong-thuy-post1507237.tpo