Vì sao Exxon Mobil đi ngược xu hướng với các Big Oil?
Nhiều tập đoàn dầu khí cắt giảm đầu tư, tăng lợi nhuận cho cổ đông giữa bối cảnh bất định. Exxon Mobil đi ngược xu hướng với kế hoạch tăng đầu tư, đẩy mạnh khai thác. Trong khi đó, câu chuyện về nhu cầu dầu đạt đỉnh vẫn tiếp diễn.

Exxon Mobil đi ngược xu hướng với kế hoạch tăng đầu tư, đẩy mạnh khai thác. Ảnh AFP
Các ông lớn trong ngành dầu khí ngày càng mất niềm tin vào triển vọng kinh doanh cốt lõi của họ. Những cập nhật chiến lược gần đây từ các công ty năng lượng lớn ở châu Âu và Mỹ cho thấy họ đang cắt giảm chi phí cơ bản, nhưng lại tăng mạnh mức chi trả cho cổ đông.
Không thể phủ nhận rằng dầu mỏ, đặc biệt là khí đốt, vẫn sẽ là động lực quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ sạch thay thế như điện gió, điện mặt trời và nhiên liệu sinh học đang tạo ra nhiều bất định về giá cả.
Dầu khí là ngành công nghiệp cần vốn đầu tư khổng lồ để duy trì sản lượng, trong khi thời gian triển khai dự án rất dài. Do đó, việc cắt giảm đầu tư lúc này là tín hiệu rõ ràng về định hướng dài hạn của các doanh nghiệp.
Thực tế, nhiều tập đoàn dầu khí lớn ở châu Âu gần đây đã giảm tốc, thậm chí từ bỏ các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo. Dù điều này giúp họ tập trung hơn vào dầu khí, nhưng tổng mức chi tiêu vốn vẫn hạn chế. Sản lượng dầu khí dự kiến sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng trưởng ở mức rất thấp vào cuối thập kỷ này.
Hôm thứ Ba, Shell hạ mức đầu tư hàng năm xuống còn 20-22 tỷ USD cho đến năm 2028, giảm so với mức 22-25 tỷ USD trước đó. Công ty cũng cho biết sẽ giữ sản lượng dầu ổn định ở mức 1,4 triệu thùng/ngày, đồng thời tập trung tăng doanh số khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thêm 4%-5% mỗi năm.
Cùng lúc đó, Shell nâng tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận cho cổ đông (gồm cổ tức và mua lại cổ phiếu) lên 40-50% dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, cao hơn mức 30-40% trước đây.
BP, sau thất bại từ chiến lược chuyển đổi nhanh sang năng lượng tái tạo, đã tuyên bố vào tháng trước rằng họ sẽ cắt giảm chi tiêu xuống còn 13-15 tỷ USD/năm, so với mức 16,2 tỷ USD trong năm 2024, đồng thời đẩy mạnh lợi nhuận cho cổ đông.
TotalEnergies của Pháp cũng đang đi theo hướng tương tự.
Tại Mỹ, Chevron có kế hoạch cắt giảm đầu tư nhưng vẫn tăng sản lượng từ 5%-6% trong giai đoạn 2024-2026, trước khi đà tăng trưởng chững lại. Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi nếu thương vụ thâu tóm Hess trị giá 53 tỷ USD của Chevron được thông qua. Dù vậy, việc hợp nhất này vẫn báo hiệu khả năng cắt giảm chi tiêu mạnh hơn trong tương lai.
Ngược lại, Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Mỹ, dự kiến tăng mức đầu tư lên 28-33 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030, cao hơn mức 27,5 tỷ USD năm 2024. Đồng thời, hãng cũng đặt mục tiêu nâng sản lượng từ 4,3 triệu thùng/ngày lên 5,4 triệu thùng/ngày.
Chiến lược khác biệt này phản ánh vị thế vượt trội của Exxon tại hai khu vực dầu khí có chi phí thấp và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Mỏ đá phiến Permian ở Mỹ và các mỏ ngoài khơi Guyana. Các tập đoàn dầu khí phương Tây khác khó có thể cạnh tranh được với lợi thế này.
Nếu nhìn ngắn hạn, sự điều chỉnh chiến lược của hầu hết các công ty dầu khí lớn có vẻ hợp lý và có lợi cho nhà đầu tư. Sự bất định gia tăng trong ngành đang buộc các doanh nghiệp phải thận trọng hơn, tránh lặp lại những khoản đầu tư kém hiệu quả từng gây tổn thất lớn trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, ngành dầu khí vốn có tầm nhìn dài hạn, do đặc thù các khoản đầu tư kéo dài hàng thập kỷ. Và những chiến lược hiện tại dường như đang bỏ qua các rủi ro trong tương lai.
Nhu cầu dầu đạt đỉnh
Chưa đầy 20 năm trước, ngành công nghiệp dầu khí còn lo lắng về viễn cảnh “đỉnh nguồn cung dầu” – tức là trữ lượng nhiên liệu hóa thạch hiện có sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng vọt. Giá năng lượng leo thang cùng sự lạc quan của giới đầu tư đã thúc đẩy các công ty năng lượng mở rộng thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên mới, như các mỏ nước sâu và đặc biệt là các mỏ dầu đá phiến ở Mỹ. Chính điều này đã làm thay đổi cục diện ngành dầu khí, giúp sản lượng dầu khí từ các nước ngoài OPEC tăng mạnh.
Nhưng đến giữa thập niên 2010, mối quan ngại bắt đầu dịch chuyển sang “đỉnh nhu cầu dầu”, khi quá trình chuyển đổi năng lượng trở thành chủ đề nóng. Hiện nay, thị trường đã có dấu hiệu cho thấy tiêu thụ xăng dầu tại Trung Quốc và Mỹ đang dần chững lại.
Điều đáng chú ý là câu chuyện về đỉnh nhu cầu vẫn tồn tại, ngay cả khi thế giới từng lo ngại về nguồn cung dầu khí sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022. Cú sốc giá năng lượng ngắn hạn khi đó đã buộc nhiều Chính phủ phải cân nhắc lại chiến lược chuyển đổi năng lượng và khuyến khích gia tăng khai thác nội địa.
Bên cạnh đó, các công ty dầu khí dường như cũng không thay đổi chiến lược sau khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử – người vốn nổi tiếng với lập trường ủng hộ nhiên liệu hóa thạch và không mặn mà với năng lượng tái tạo.
Vì vậy, ít nhất trong thời điểm hiện tại, nhiều khả năng các công ty dầu khí phương Tây sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo: Tập trung vào dầu khí, cắt giảm đầu tư và tăng lợi nhuận cho cổ đông.
Điều này có thể khiến nhà đầu tư hài lòng trong ngắn hạn. Nhưng liệu các tập đoàn năng lượng có thể duy trì quy mô và vị thế của họ trong dài hạn, khi hệ thống năng lượng toàn cầu tiếp tục thay đổi hay không – vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.