Vì sao Gen Z kiệt sức, chán đi làm

Ngày càng nhiều lao động trẻ rơi vào trạng thái kiệt sức như thể đã đi làm nhiều năm khiến các công ty phải đau đầu tìm giải pháp.

Không có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc dày dặn như những thế hệ trước, người trẻ vẫn có thế mạnh không thể thay thế trên thị trường lao động, họ được đánh giá là nhiệt tình, ít bị ràng buộc và sẵn sàng dốc sức cho công việc. So với các đồng nghiệp lớn tuổi hơn, Gen Z cũng thường tích cực hơn trong công việc và các hoạt động công sở.

Nhưng kể từ khi đại dịch diễn ra, xu hướng này đã có sự thay đổi. Theo khảo sát của công ty tư vấn và phân tích việc làm, từ năm 2019-2022, tỷ lệ người dưới 35 tuổi có suy nghĩ gắn bó với công việc của mình đã giảm từ 37% xuống 33%, mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Sự gia tăng tâm lý chán nản tại nơi làm việc trở nên mạnh mẽ đến mức gần như trở thành sợi dây gắn kết thế hệ giữa Gen Z và những thế hệ khác khi tất cả đều cảm thấy kiệt sức với công việc, theo Insider.

 Đi làm trở thành nỗi lo âu đối với nhiều Gen Z. Ảnh: HRD Asia.

Đi làm trở thành nỗi lo âu đối với nhiều Gen Z. Ảnh: HRD Asia.

Xu hướng đáng báo động

Đây là tín hiệu đáng lo đối với các doanh nghiệp. Nhiệt huyết với công việc giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận. Gallup ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 7.800 tỷ USD mỗi năm do hiệu suất làm việc giảm.

Không chỉ doanh nghiệp, chính người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng chán việc tiếp diễn. Sẽ không có gì đáng ngại nếu họ chỉ dừng lại do cảm giác không hài lòng với công việc hiện tại và tìm kiếm cơ hội ở một nơi khác. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Gallup đã chỉ ra rằng thực tế không đơn giản như vậy.

 Thế hệ Z cảm thấy kiệt quệ dù chỉ mới bắt đầu bước vào thị trường lao động. Ảnh: Antoni Shkrabaproduction/Pexels.

Thế hệ Z cảm thấy kiệt quệ dù chỉ mới bắt đầu bước vào thị trường lao động. Ảnh: Antoni Shkrabaproduction/Pexels.

Kết quả cho thấy nhiều người từ 20-30 tuổi hiện nay có cảm giác thiếu đi sự quan tâm, cơ hội học hỏi và phát triển, quyền được lắng nghe hay không tìm được một người có khả năng dẫn dắt hoặc một người bạn tốt tại nơi làm việc.

Từ những yếu tố này có thể nhận thấy, nỗi thất vọng với môi trường làm việc ngày nay đang ngày càng gia tăng trong giới trẻ.

Caitlin Duffy, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Gartner, chia sẻ: “Nếu nhân viên không có mong muốn gắn bó, điều đó có nghĩa là quy trình làm việc hiện tại của họ chưa được tốt. Chỉ cần phát hiện và thay đổi điều đó, các công ty sẽ khai thác được tiềm năng tối đa của nhân viên. Cứng nhắc ép buộc họ làm theo cái cũ chỉ làm mọi thứ tệ đi”.

Nguyên nhân

Nhiều người vẫn lầm tưởng tính cách năng động và linh hoạt sẽ khiến Gen Z thích được làm ở nhà. Thực tế chứng minh điều ngược lại, chỉ 24% người ở độ tuổi 20 muốn làm việc hoàn toàn tại nhà, trong khi đó, tỷ lệ này ở người trong độ tuổi 50 là 41%.

Đối với những người mới ra trường, chỗ làm được coi như một phần quan trọng trong cuộc sống. Khác với thế hệ lớn hơn, họ mong muốn và cần sự cố vấn, dẫn dắt từ quản lý hoặc những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân.

Công việc làm từ xa hoặc kết hợp các hình thức sẽ khiến cho quá trình hướng dẫn và tương tác trở nên ít hơn. Kết quả là công việc cũng kém thú vị và không thể duy trì được lâu.

 Cách làm việc tại nhiều công ty đã dần trở nên lỗi thời. Ảnh: ANTONI SHKRABA production/Pexels.

Cách làm việc tại nhiều công ty đã dần trở nên lỗi thời. Ảnh: ANTONI SHKRABA production/Pexels.

Không chỉ vậy, việc lắng nghe từ những cuộc nói chuyện trực tiếp cũng là một cách học hỏi hiệu quả.

Trong một xã hội đã quen với việc giao tiếp qua màn hình điện thoại, việc tiến lại gần và nói chuyện trở nên hiếm hoi hơn. Điều này vô tình khiến những nhân viên mới khó để học hỏi hay có cơ hội tiếp xúc với kiến thức mới hơn.

Một hệ quả khác đó là người trẻ hiện nay ít được tiếp xúc với môi trường và văn hóa tại nơi làm việc. Điều này dẫn đến tình trạng khó hòa nhập, thậm chí căng thẳng khi phải bước chân tới văn phòng.

“Khi công việc kết hợp ngày càng phổ biến, cơ hội để nhân viên mới có cơ hội quan sát văn hóa công sở cũng ít đi. Không biết rõ các tiêu chuẩn ở nơi làm việc từ cách làm việc tới ứng xử có thể khiến gia tăng sự lo âu. Lúc này, họ thường mất thời gian trong việc tìm cách thực từng khâu thay vì có thể làm nó một cách dễ dàng”. Duffy nói.

Sự gián đoạn trong cuộc sống do đại dịch gây ra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lực lượng lao động trẻ. Một cuộc khảo sát năm 2021 của công ty tư vấn McKinsey cho thấy khả năng rơi vào trầm cảm hoặc lo âu của Gen Z cao gấp 1,5 lần so với độ tuổi khác.

Liều thuốc từ các công ty

Hiển nhiên là nhiều nhà quản lý đã nhận ra được xu hướng cũng như nguyên do dẫn đến tình trạng kiệt quệ ở người lao động, tuy vậy, phương pháp đưa ra lại không mấy sáng suốt. Nhiều nơi bắt đầu yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng và nhận về kết quả không mấy khả quan.

Duffy, nhà nghiên cứu của Gartner, cho biết: “Những yêu cầu cứng nhắc như buộc nhân viên tới văn phòng là một sai lầm lớn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng điều này sẽ gia tăng mệt mỏi và làm giảm hiệu suất cũng như mong muốn gắn bó”.

 Việc ép buộc nhân viên phải làm theo nề nếp cũ dễ phản tác dụng. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Việc ép buộc nhân viên phải làm theo nề nếp cũ dễ phản tác dụng. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Trải nghiệm và môi trường văn phòng là yếu tố cần thiết để làm việc hiệu quả. Sự yêu thích và thoải mái sẽ giúp tăng thiện cảm của nhân viên với công ty. Cơ hội giao lưu, được truyền cảm hứng sẽ khiến người trẻ thực sự muốn đi làm chứ không phải do bị ép buộc.

Có chỉ dẫn và quy định rõ ràng cũng là cách để lao động trẻ dễ dàng thích nghi và hòa nhập với văn hóa tại chỗ làm. Từ chính sách nghỉ phép, làm việc ngoài giờ hay từ chối một yêu cầu đều có thể được làm rõ. Hiểu được những gì nên và không nên làm sẽ giúp họ tránh được hiểu lầm hay làm việc sai quy chuẩn.

Bên cạnh đó, người quản lý trực tiếp cũng đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình làm việc của nhân viên cấp thấp, đặc biệt là với người trẻ. Sự kết nối này có thể giúp họ hiểu được mong muốn, nguyện vọng để có thể cổ vũ hay can thiệp kịp thời khi nhân viên gặp trở ngại.

Gen Z được đánh giá là thế hệ cởi mở, thẳng thắn và mạnh dạn hơn nhiều so với các thế hệ đi trước. Chính vì vậy nên nhu cầu được lên tiếng của họ cũng lớn hơn. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc được bày tỏ, những ý kiến này cũng cần được lắng nghe và tiếp thu cũng như nhận lại hành động hay phản hồi xứng đáng.

Việc người trẻ, thành phần đáng ra phải năng nổ nhất, đang giảm dần nhiệt huyết là lời cảnh báo cho thấy các công ty cần thay đổi quy trình làm việc để thu hút, động viên cũng như truyền cảm hứng cho thế hệ lao động mới.

Lại Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gen-z-kiet-suc-chan-di-lam-post1419438.html