Vì sao giá lợn hơi giảm mạnh dịp Tết?
Giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm mạnh bởi nguồn cung đang cao hơn cầu, lượng thịt lợn nhập khẩu cao hơn năm trước.
Bán tháo vì giá thịt hơi giảm
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Cảnh Ngọc (ở Thạch Thất, Hà Nội) có khoảng 200 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng nhưng giá lợn hơi liên tục giảm sâu
Cách đây hơn 1 tháng, trước tình trạng mất giá, ông Ngọc đã bán trước 40 con với mức giá 50.000 đồng/cân. Sau đó, giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm sâu.
"Những năm trước, các hộ chăn nuôi đều phấn khởi khi giá lợn hơi tăng dịp giáp Tết. Năm nay, không ngờ lợn đến thời điểm xuất chuồng nhưng giá vẫn giảm theo ngày. Mỗi một ngày 200 con ăn hết gần 10 bì cám, tôi gánh lỗ hơn 3 triệu đồng, chưa kể tiền điện nước", ông Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh (Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng lo lắng khi trang trại có khoảng hơn 100 con chuẩn bị xuất chuồng. Bà đã bán tháo được hơn 50 con với giá 50.000 đồng/kg. Hơn 2 tháng nay khi thông tin dịch tả lợn châu Phi quay trở lại, giá lợn hơi tại Tuyên Quang đang giảm mạnh xuống còn dưới 50.000 đồng/kg.
"Ở đây không có bất thường về dịch, nhưng người dân vẫn tẩy chay thịt lợn vì nghe đồn đang có dịch tả lợn châu Phi. Nhu cầu mua giảm khiến các trại chăn nuôi không xuất chuồng được, giá lợn hơi không thể tăng, thậm chí giảm dù Tết đã đến gần", bà Thanh nói.
Theo khảo sát giá lợn hơi ngày 16/12 được thương lái ở Hà Nội, Tuyên Quang mua với giá 50.000 đồng/kg, Yên Bái và Thái Bình đang cùng có giá 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, lợn hơi tại Ninh Bình giao dịch với mức giá thấp nhất là 49.000 đồng/kg.
Còn tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi đi ngang. Mức giá thấp nhất (47.000 đồng/kg) được ghi nhận tại Hà Tĩnh, Bình Định, Đắk Lắk và Ninh Thuận. Các tỉnh còn lại trong khu vực duy trì thu mua lợn hơi với giá ổn định trong khoảng 48.000-49.000 đồng/kg.
Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi cũng đứng yên theo xu hướng chung của thị trường. Theo đó, mức giao dịch cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg. Các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Tiền Giang đang neo tại mốc 50.000 đồng/kg. Thương lái ở các tỉnh, thành còn lại tiếp tục giao dịch với giá 48.000-49.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi cuối năm thế nào?
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt trâu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Mỡ lợn đông lạnh…
Theo nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn, giá lợn hơi giảm mạnh dù Tết đang đến gần, một phần cũng vì thịt lợn đông lạnh và lợn nhập lậu tràn vào Việt Nam nhiều. Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã chi 1,15 tỷ USD để nhập khẩu thịt, sản phẩm từ thịt.
Về diễn biến giá lợn hơi trong thời điểm cuối năm, đại diện Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam khẳng định giá lợn hơi sẽ nhích lên khi nhu cầu tăng cao, nhưng sẽ không tăng quá mạnh.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, do nguồn cung tăng mà sức tiêu thụ trên thị trường lại chậm nên đã kéo giá bán lợn hơi giảm khá mạnh. Cụ thể, trong tháng 11, giá lợn hơi đã giảm 5,34% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2,79% so với tháng trước đó.
Cục Chăn nuôi thừa nhận ở mức giá này, đa phần người chăn nuôi chịu thua lỗ, cộng thêm dịch tả lợn châu Phi và rủi ro giá cả nên sau khi bán lợn, nhiều người chăn nuôi đã treo chuồng, không dám tái đàn.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng các đơn vị sản xuất, kinh doanh thịt lợn và các mặt hàng nông sản thực phẩm tổ chức tái đàn thận trọng, không găm hàng, thổi giá. Doanh nghiệp phân phối cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng thường xuyên, liên tục tại các điểm bán hàng; Phối hợp với ngành chức năng chủ động nắm nguồn cung sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất để chủ động có phương án phân phối ra thị trường.
"Để ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường, trong khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi cần chủ động phối trộn thức ăn để giảm chi phí và hướng tới chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học", ông Nguyễn Xuân Dương cho biết.