Vì sao giá thịt lợn tăng cao bất thường?
Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về nhu cầu thịt lợn, ước tính lượng thịt lợn tiêu thụ/đầu người xấp xỉ 37 kg/người trong năm 2024. Chăn nuôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước góp phần khiến giá lợn tăng cao thời gian qua.
Sáng 3/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức Hội nghị bàn về việc phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Năm 2025, Bộ NN&MT đặt mục tiêu tăng trưởng 5,92% cho ngành chăn nuôi với mức tăng trưởng quý I đạt 4,5%. Tuy nhiên, diễn biến thị trường hiện tại có nhiều bất ổn, giá lợn sau Tết không giảm mà lại tăng, trái với xu hướng thông thường. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc theo dõi sát sao thông tin thị trường, kiểm soát chặt chẽ đàn vật nuôi để có biện pháp điều tiết phù hợp".
Giá lợn leo thang
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y, Bộ NN&MT - cho biết, năm 2024, tổng đàn lợn cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 32,2 triệu con. Tính đến hết tháng 3 vừa qua, tổng đàn đạt 31,8 triệu con (giảm hơn 200.000 con so với thời điểm 1/1, nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024).

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y, Bộ NN&MT.
Về giá lợn, ông Đăng cho biết, đầu năm 2024, giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 52.000 - 55.000 đồng/kg tăng dần qua các tháng. Đến cuối năm 2024, giá lợn hơi dao động 61.000 - 65.000 đồng/kg. Trong năm 2024, đỉnh điểm giá lợn cao nhất là vào tháng 6 với 67.000 đồng/kg.
Năm 2024, trung bình giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong cả nước tháng 1 và 2 dao động trung bình 52.000 - 55.000 đồng/kg, sau đó giá lợn có xu hướng tăng đều qua các tháng, đến tháng 6 giá lợn lên đến 67.000 đồng/kg. Đến cuối năm 2024, giá lợn hơi dao động trong khoảng 61.000 - 65.000 đồng/kg.

Diễn biến giá lợn con thương phẩm năm 2024 đến quý I/2025 (ĐVT: đồng/con). Nguồn: Cục Chăn nuôi và Thú y.
Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu thịt lợn tăng cao, giá lợn hơi xuất chuồng tăng lên 63.000 - 67.000 đồng/kg. Có lúc, giá lợn hơi lên tới 80.000 đồng/kg vào giữa tháng 3. Cuối tháng 3, giá lợn giảm xuống còn 66.000 - 76.000 đồng/kg. Đến ngày 31/3, giá lợn trung bình trên cả nước đạt 69.000 đồng/kg.
Lý giải về việc giá lợn hơi tăng cao bất thường thời gian qua, ông Đăng cho rằng, dịch bệnh vẫn bùng phát tại một số tỉnh, thành phố. Đến nay, cả nước xảy ra 1.699 ổ dịch tả lợn châu Phi, tăng hơn 75%, tiêu hủy khoảng 92.707 con lợn, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, số ổ dịch lở mồm long móng tăng gần 2,5 lần so với năm 2023.
Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ngày càng tăng, năm 2024 nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam xếp thứ 4 thế giới. Ước tính tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người của người Việt Nam xấp xỉ 37kg thịt lợn xẻ/người/năm, tăng hơn 3kg so với năm 2023.

Toàn cảnh hội nghị.
Kể từ đầu năm 2025, nhiều địa phương trong cả nước đã di dời hoặc dừng hoạt động các trang trại chăn nuôi không đủ điều kiện theo Luật Chăn nuôi dẫn đến thiếu hụt cục bộ tại một số thời điểm.
Giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức cao
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&MT - cho biết, so với các nước trong khu vực, trong quý I/2025, giá thịt lợn Việt Nam (83.000 đồng - giá cao nhất tháng 3 tại Đồng Nai) cao hơn so với Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với Philippines.
Cụ thể, tại Việt Nam, giá thịt lợn ở Đồng Nai cao nhất là 83.000 đồng/kg, trong khi mức giá trung bình quý I của Trung Quốc là 56.000 đồng/kg, mức giá cao nhất của Philippines là 115.000 đồng/kg.

Giá lợn khó tăng nếu công tác phòng dịch bệnh được thực hiện.
Dự báo giá lợn hơi tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao, tuy nhiên khó có khả năng tăng đột biến nếu công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt.
Theo Bộ NN&MT, trong năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4-5% so với năm 2024, trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 5,4 triệu tấn (tăng 5%), đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Để đạt các mục tiêu của ngành chăn nuôi đề ra năm 2025, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu cơ quan quản lý và các địa phương cần nắm rõ tình hình để có thể điều tiết. Cần các sáng kiến, giải pháp toàn diện để kiểm soát chặt chẽ những vấn đề lớn của ngành như con giống, thức ăn, môi trường, an toàn dịch bệnh, giết mổ…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-gia-lon-hoi-tang-cao-bat-thuong-post1730671.tpo