Chuyên gia đề xuất 03 giải pháp đối phó áp lực thuế quan

Cho tới ngày 9/4, Chính phủ Việt Nam sẽ có thời gian giải quyết tình hình trong vòng một tuần để ngăn chặn những tác động của thuế quan.

Ngày 03/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% trên toàn quốc và áp dụng thuế quan đối ứng với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mức thuế "cơ bản" áp dụng với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ là 10%. Một số quốc gia nằm trong nhóm này gồm Anh, Brazil, Singapore, Úc, Chile, Argentina, Saudi Arabia,...

Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức thuế từ 20 - 26%. Đáng chú ý, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất, lần lượt 34% và 46%.

Việc áp mức thuế trần với Việt Nam lên đến 46% gây bất ngờ và được cho là “cú giáng” lên các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ở những ngành hàng chiếm tỉ trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ cao như ngành thủy sản, dệt may…

Liên quan tới vấn đề này, GS.TS Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đề xuất ba giải pháp quan trọng, trong đó có hai vấn đề ưu tiên làm ngay để khắc phục tác động của thuế quan.

GS.TS Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: AFP

GS.TS Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: AFP

Cụ thể, Việt Nam nên có tiến hành thảo luận và đàm phán ngay với phía Mỹ, đảm bảo sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ được thụ hưởng chính sách ưu đãi cao nhất có thể. Việt Nam có thể đơn phương coi Mỹ như một đối tác của Hiệp định thương mại tự do và sớm tiến tới ký kết hiệp định này. Có thể tham khảo kinh nghiệm và mô hình từ Hiệp định thương mại tự do Singapore và Mỹ (USSFTA) có hiệu lực từ năm 2004 được phía Mỹ đánh giá rất cao do đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Ông Khương cho rằng, nếu chúng ta dốc sức đàm phán trên tinh thần hợp tác toàn diện và triệt để ở mức cao nhất có thể, mức thuế quan của Mỹ vào hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm xuống mức 10% như đối với Singapore.

Tiếp đó, các bộ ngành, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương Việt Nam cần có những cuộc thảo luận kịp thời với các doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy một cuộc cải cách sâu rộng nhằm tăng giá trị gia tăng, thay vì thiên lệch về tăng giá trị xuất khẩu nhưng thu về không được tương xứng. Việc cải cách khu vực này cần làm đồng bộ không chỉ ở cải thiện môi trường kinh doanh mà cả ở mảng công nghiệp hỗ trợ, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Việc áp thuế suất có thể mở cửa ra những triển vọng mới cho nền kinh tế. Ảnh minh họa

Việc áp thuế suất có thể mở cửa ra những triển vọng mới cho nền kinh tế. Ảnh minh họa

Ở góc độ tích cực, cần nhận thức cao hơn về sự quan trọng của việc chuyển đổi động lực này thành một cuộc cải cách toàn diện nhằm đẩy nhanh sự phát triển của Việt Nam hướng tới thịnh vượng. Việc áp thuế này có thể trở thành cú hích để Việt Nam có động lực cao hơn trong việc tiến tới cải cách lâu dài.

Ở giải pháp mang tính dài hạn, để giảm thiểu tác động từ việc Mỹ áp thuế, Việt Nam cần tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất là Mỹ sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các thay đổi trong chính sách thương mại của quốc gia này.

Chính phủ và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các quốc gia ASEAN. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) hay RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) sẽ tạo ra những cơ hội mới và giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là một thách thức lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với chiến lược đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải cách môi trường đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể vượt qua khó khăn này. Những nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, và xây dựng một nền kinh tế độc lập và tự chủ sẽ giúp Việt Nam duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Vân Chi

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/chuyen-gia-de-xuat-03-giai-phap-doi-pho-ap-luc-thue-quan-202504041425219235.html