Vì sao gia nhập NATO và EU mãi là 'giấc mơ xa vời' của Ukraine?
Giữa bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang ở khu vực biên giới, khả năng Ukraine gia nhập NATO và EU ngày càng trở nên xa vời, và như Tổng thống Zelensky nhận định thì điều đó không khác gì một 'giấc mơ'
Giấc mơ xa vời
Năm 2019, Ukraine đã đưa mục tiêu gia nhập các liên minh phương Tây vào hiến pháp của mình.
"Ukraine sẽ gia nhập EU và NATO", nghị sĩ Ukraine Andriy Parubiy tuyên bố sau khi đề xuất trên được thông qua.
Các nước phương Tây, mặc dù chưa bao giờ tuyên bố trong thỏa thuận hay đưa ra cam kết đầy đủ về việc để Ukraine gia nhập các liên minh, nhưng vẫn tiếp tục gieo hy vọng cho Kiev về triển vọng này trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, hiện nay, khả năng Ukraine gia nhập NATO và EU, vốn đã mong manh, nay càng trở nên xa vời.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO tuyên bố sẽ không đáp ứng các yêu cầu mà Tổng thống Putin công khai đưa ra về việc Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Dù vậy, họ cũng thừa nhận rằng sẽ không có kế hoạch nào trong tương lai gần về việc chấp nhận để Ukraine tham gia vào liên minh khi dẫn ra những vấn đề còn tồn đọng như tham nhũng và hệ thống pháp luật lỏng lẻo ở quốc gia này.
Mỹ và các nước châu Âu cũng cho biết họ sẽ không điều động quân đội tới bảo vệ Ukraine trong cuộc chiến với Nga - điều mà họ bắt buộc phải làm nếu Ukraine là một phần của NATO. EU - theo nguyên tắc phòng thủ tập thể của khối, cũng sẽ phải phản ứng tương tự nếu Ukraine gia nhập liên minh 27 nước thành viên này.
Trước viễn cảnh không thể gia nhập vào cả hai liên minh trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã dần chấp nhận thực tế này. Ngày 14/2, Tổng thống Zelensky thừa nhận, mục tiêu gia nhập NATO trong những năm qua của Ukraine có thể không hơn gì "một giấc mơ". Ngày 16/2, New York Times đưa tin, nhà lãnh đạo Ukraine thậm chí đang cân nhắc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, điều vốn có thể ngăn nước này gia nhập NATO, để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Putin.
"Ukraine nên đi xa tới đâu trên con đường này. Ai sẽ ủng hộ chúng ta", Tổng thống Zelensky nhận định về việc gia nhập NATO ngày 14/2.
Những thừa nhận của Tổng thống Ukraine đã cho thấy sự thất vọng của nước này trong nỗ lực đi theo con đường của một số quốc gia như Ba Lan, đó là gia nhập cả EU và NATO. Tư cách thành viên trong NATO và EU có vai trò khác nhau nhưng về cơ bản chúng đều thống nhất trong một mục đích: Đó là đưa Ukraine vào quỹ đạo của phương Tây.
NATO và EU đã mời gọi Ukraine trong nhiều năm qua. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Bucharest năm 2008 ở Romania, các nước thành viên NATO đã hứa hẹn sẽ đồng ý để Ukraine và Gruzia trở thành thành viên một ngày nào đó. Tuy nhiên, trước khi NATO kịp làm điều đó, bằng những động thái của mình, Nga đã gửi đi lời cảnh báo về cái giá phải trả nếu họ làm vậy.
“Chúng tôi sẽ giúp bạn nhưng sẽ không bảo vệ bạn”
Việc Ukraine khó có thể gia nhập NATO và EU đã cho thấy một thực tế mâu thuẫn. Một mặt, NATO và EU muốn hạn chế quyền lực và ảnh hưởng của Nga cũng như thể hiện sự ủng hộ với Ukraine nhưng mặt khác, những mục tiêu này đã bị lu mờ bởi nhận thức rằng, những thực tế địa chính trị cũng như yêu cầu cân bằng an ninh ở châu Âu khiến tư cách thành viên của Ukraine trong các liên minh trên trở nên bất khả thi.
Cựu Thủ tướng Pháp François Fillon từng cho rằng: "Chúng tôi phản đối việc Ukraine và Gruzia gia nhập NATO bởi đó là phản ứng không phù hợp với cán cân quyền lực ở châu Âu cũng như quan hệ giữa châu Âu và Nga.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Putin hồi tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận định: "Sẽ không có an ninh cho châu Âu nếu không có an ninh cho Nga".
NATO từng kết nạp 7 nước Đông Âu vào năm 2004 và gần đây đã mở rộng thêm Montenegro và Bắc Macedonia. Tuy nhiên, việc để Ukraine gia nhập liên minh - quốc gia mà Tổng thống Putin cho là một "dân tộc" với Nga, lại là một vấn đề phức tạp khác. Nếu như năm 2004, khi các nước vùng Baltic như Litva, Latvia và Estonia - tất cả đều từng thuộc Liên Xô, gia nhập NATO, Nga đã bày tỏ sự phản đối và không hài lòng nhưng không có tình trạng tập trung lực lượng trên quy mô lớn gần biên giới như hiện nay
Benjamin H. Friedman, giám đốc chính sách của tổ chức Các ưu tiên Quốc phòng đánh giá, Mỹ và châu Âu dường như đang muốn nói với Ukraine rằng: "Chúng tôi sẽ giúp các bạn nhưng chúng tôi sẽ không bảo vệ các bạn".
Dường như không có dấu hiệu nào cho thấy phương Tây sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ Ukraine trong bối cảnh hiện nay. Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ chiến tranh hạt nhân khiến việc đối đầu quân sự với Nga ở Đông Âu là điều không khả thi./.