Vì sao giá thép liên tiếp giảm, xi măng vẫn tăng 'nóng'?
Diễn biến giá xi măng, sắt thép là do tác động giá đầu vào và nhu cầu tiêu thụ những ngày qua.
Giá thép giảm tiền triệu, xi măng vẫn tăng "nóng"
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, tính từ tháng 5 đến nay, giá thép các loại đã giảm 3 lần liên tiếp sau chuỗi tăng giá 7 lần từ đầu năm.
Giá thép giảm từ 700 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/tấn, đưa giá hạ nhiệt so với đỉnh cao trong tháng 3 (hơn 20 triệu đồng/tấn) về ngưỡng dao động từ 18,5-18,7 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm thuế giá trị giá tăng).
Tuy nhiên, trái ngược với giá thép, giá xi măng lại tiếp tục tăng mạnh. Theo anh Luyện Văn Trấn, một nhà phân phối xi măng cho biết, các thương hiệu đồng loạt tăng giá xi măng từ đầu tháng 5. Mức tăng dao động từ 60-100 nghìn đồng/tấn.
Cụ thể, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn 70 nghìn đồng/tấn. Tương tự Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng tăng 80 nghìn đồng/tấn đối với tất cả loại; Vicem Hoàng Thạch, Tân Thắng, Xuân Thành Quảng Nam, Sông Lam, Luks Việt Nam, Nghi Sơn tăng 55-80 nghìn đồng/tấn...
Anh Trấn cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xi măng tăng 2 lần, tuy nhiên, mức “nhảy” chưa từng có. Bình thường mỗi lần tăng chỉ khoảng 5-10 nghìn đồng/tấn, nhưng lần này tăng gấp chục lần - tức, mỗi lần tăng ngưỡng 100 nghìn đồng/tấn...
Nguyên nhân do đâu?
Với mức giảm của giá thép, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ tháng 4 đến nay.
Đơn cử, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc) giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4; Hay giá thép phế liệu loại HMS 1/2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR Đông Á ngày 9/5 giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4.
Trong khi đó, sản lượng bán hàng thép các loại chỉ đạt hơn 2,4 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng 3 và giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Và lượng xuất khẩu cũng sụt mạnh tới 44% so với tháng 3 và chỉ tăng nhẹ gần 5% so với năm 2021.
Trong bối cảnh, giá quặng sắt tại Trung Quốc chạm mức thấp nhất 1 tuần, do nhu cầu giảm trong khi các nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị thu hẹp trong quý 2/2022 khi vẫn còn các hạn chế chống dịch Covid-19.
“Nhu cầu thép trong nước vẫn ảm đạm khi nền kinh tế chưa hoàn toàn mở cửa sau đại dịch....là những tác động chính cho thấy giá thép vẫn còn xu hướng giảm trong những ngày tới”, theo VSA.
Còn về giá xi măng, các doanh nghiệp lý giải rằng, giá nguyên vật liệu tăng cao như: Than, dầu, thạch cao... dẫn đến giá thành sản xuất tăng.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất xi măng chia sẻ, năm ngoái dù giá than tăng 30-40%, công ty vẫn tăng giá khoảng 3-5% trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu và áp lực cạnh tranh.
Do đó, tăng áp lực cạnh tăng giá trong năm nay, khi giá đầu vào tiếp tục tăng mạnh. Việc điều chỉnh nhảy vọt là để bù đắp chi phí.
Thực tế, theo dữ liệu của Trading Economic, giá than đá ngày 30/5 ở mức 401 USD/tấn, tăng 33,76% so với tháng trước và 237,26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn giá xăng dầu đã tăng tổng cộng 11 lần kể từ đầu năm. Tương đương với mức tăng từ 34-54%...
Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do chúng ta đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.
Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.