Vì sao giá thịt lợn liên tục tăng cao?
Từ đầu tháng 12 đến nay, giá thịt lợn trên thị trường liên tục tăng và đang ở mức cao, từ 160 nghìn đồng đến 190 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 20 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Tết Nguyên đán đang đến gần, mức độ tiêu thụ thịt lợn dự báo có thể tăng thêm từ 20 đến 30%, trong khi theo Tổng cục Thống kê, nguồn cung thịt lợn hiện thiếu hụt khoảng 200 nghìn tấn. Nếu giá lợn tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tình hình kinh tế vĩ mô.
Giá tăng, người tiêu dùng chịu thiệt
Qua khảo sát thực tế tại một số chợ ở Hà Nội như: Nguyễn Công Trứ, Dịch Vọng, Mễ Trì Hạ, Vĩnh Phúc…, hiện giá thịt lợn đã tăng thêm so với cách đây 20 ngày từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, ở mức 160.000 đến 190.000 đồng/kg. Tại hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố như: Coop mart, Big C, Vinmart..., giá thịt lợn cũng tương đương như ở chợ dân sinh. Bà Nguyễn Thị Lợi, bán thịt lợn ở chợ Châu Long từ hơn 20 năm qua cho biết, hơn tháng nay giá thịt lấy tại “lò mổ” đang tăng hằng ngày. Trước đây, mỗi ngày bà bán một con lợn (khoảng 100 kg móc hàm) thì nay lấy nửa con bán ì ạch mãi cũng không hết, vì giá tăng cao, người tiêu dùng chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác như thịt gia cầm, thịt bò, thủy hải sản. Những người bán sản phẩm chế biến từ thịt lợn cũng gặp khó khăn khi giá thịt lợn lên cao. Chị Trần Thị Liên, bán giò chả, thịt quay ở chợ Hòe Nhai cho biết: Cách đây vài tháng, giò lụa từ mức giá 130.000 đến 150.000 đồng/kg giờ tăng lên 220.000 đồng/kg; thịt quay trước bán 25 nghìn đồng/lạng, nay buộc phải tăng giá bán gấp gần hai lần, nhưng sức mua thì giảm đến 50%, coi như là lấy công làm lãi. Các tiểu thương này có chung nhận xét: Nguồn hàng thì ngày càng khan hiếm, lại qua nhiều khâu trung gian (thương lái, lò mổ, vận chuyển…) cho nên chúng tôi buộc phải tăng giá bán, chung quy chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt. Chị Nguyễn Thị Thanh Minh (38 tuổi, ở quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, trước đây tiền mua thức ăn của gia đình (có bốn người) là 100 nghìn đồng/ngày, nhưng vài ba tuần trở lại đây với số tiền nêu trên chỉ mua được lượng thực phẩm bằng một nửa so với trước. Hai vợ chồng tôi thu nhập khoảng bảy triệu đồng/ tháng, nuôi hai cháu ăn học, còn bao thứ cần chi tiêu, phải “thắt lưng buộc bụng” may ra mới đủ. Chị Minh thở dài nói thêm.
Có hay không việc “găm” hàng, đẩy giá?
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi tăng cao là do nguồn cung sụt giảm kể từ khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện ở nước ta vào tháng 2-2019 đến nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, tính đến ngày 18-12, tổng số lợn tiêu hủy do DTLCP là 5.957.460 con với tổng trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018. Hiện, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh còn khoảng 25 triệu con; trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn. Nhiều ý kiến thắc mắc: Vì sao tổng đàn lợn còn tới 25 triệu con mà thịt lợn trên thị trường ngày càng khan hiếm? Do DTLCP diễn biến phức tạp, số lợn bị tiêu hủy lớn, nên hầu như những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các địa phương không còn lợn, mà lợn chỉ có chủ yếu ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn. Vậy số lượng lợn xuất chuồng ở những địa chỉ này là bao nhiêu con mỗi ngày, đáp ứng nguồn cung đến đâu, cơ quan quản lý có nắm được ? Có hay không tình trạng “găm” hàng đẩy giá của các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi?
Sau một số cuộc họp của Bộ NN và PTNT với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan, dường như “bài toán” “kìm” giá thịt lợn vẫn chưa có lời giải. Đơn cử như tại cuộc họp diễn ra vào trung tuần tháng 11 giữa Bộ NN và PTNT với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn khi giá lợn hơi tăng, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn tăng cao bất thường không phải do nguồn cung thiếu mà do khâu lưu thông và “thông tin có vấn đề”... Phát biểu này không nhận được sự đồng thuận của dư luận. Bởi ngay từ tháng 2, khi DTLCP xâm nhiễm vào nước ta, sau đó lây lan với tốc độ “chóng mặt” trong bốn, năm tháng tiếp theo, việc bảo đảm ổn định nguồn cung, giá mặt hàng thịt lợn những tháng cuối năm đã được đặt ra. Thế nhưng, suốt thời gian qua cho đến nay, giá lợn liên tục tăng và ngày càng tăng cao.
Ở góc độ khác, việc Bộ NN và PTNT khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu thực phẩm từ thịt lợn sang các loại thịt khác và thủy sản để bù đắp nguồn thịt lợn thiếu hụt cũng khó giải quyết rốt ráo được vấn đề. Bởi trong khẩu vị, thói quen của người dân thì thịt lợn chiếm hơn 65% cơ cấu bữa ăn và không thể một sớm một chiều thay đổi được. Nhất là vào dịp Tết, nhu cầu thịt lợn để chế biến các món ăn truyền thống càng tăng cao.
Ngày 18-12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN và PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn cũng như công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19-11-2019 của Văn phòng Chính phủ. Bộ NN và PTNT cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô. Ngày 19-12, Bộ NN và PTNT có hai Văn bản số 9523 và số 9524 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp chăn nuôi, đề nghị khẩn trương tái đàn lợn để bình ổn giá và nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, trong điều kiện DTLCP vẫn diễn biến khó lường, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, chỉ nên tái đàn ở những nơi dịch đã hết sau 30 ngày, đối với các cơ sở chăn nuôi bảo đảm điều kiện an toàn sinh học. Và để có lợn xuất ra thị trường cần thời gian từ bốn đến năm tháng. Do vậy, có một câu hỏi được đặt ra: Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều địa phương đã triển khai tái đàn, thì số lượng lợn có thể xuất chuồng trong dịp này là bao nhiêu con, có đủ bổ sung cho nguồn cung đang thiếu? Trong khi nếu nhập khẩu thịt lợn thì giá thịt tại thị trường quốc tế hiện khá cao do ảnh hưởng DTLCP ở nhiều nước, thời gian để lượng thịt này về đến Việt Nam cũng phải hơn 30 ngày. Câu trả lời thuộc về các cơ quan quản lý.