Vì sao giá vé máy bay 'trên trời' nhưng 'hãng bay chỉ lãi 1 USD/hành khách'?
Các hãng bay đều thừa nhận giá vé có tăng, nhưng so với giá trần mà Chính phủ quy định thì không hề vượt, thậm chí còn dưới mức giá trần rất nhiều. Ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách...
Chuẩn bị cho chuyến du lịch hè trong tháng 6 tới của gia đình, chị Minh Huệ (Bắc Ninh) tham khảo một số chặng bay tới các điểm nghỉ dưỡng chính, như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang,... Tuy nhiên, nếu mua vé máy bay cho gia đình 4 người vào thời điểm những ngày cuối tuần thì chi phí đội lên hơn gấp đôi.
Cụ thể, chặng Hà Nội – Đà Nẵng trong tháng 6 dao động từ 1,9 – 2,5 triệu/lượt. Nếu gia đình 4 người bay khứ hồi, tổng chi phí khoảng 18 triệu đồng; Tương tự, cũng trong thời gian trên, chặng Hà Nội - Phú Quốc khứ hồi giá vé còn cao hơn nữa, dao động 5 - 6 triệu đồng/người.
Giá vé khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng dịp tháng 6 thấp nhất từ 4,3 triệu/người
“Phòng khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại Đà Nẵng trung bình 1,2 - 1,3 triệu/phòng (2 người lớn, 2 trẻ em dưới 6 tuổi). Như vậy, tiền phòng và các chi phí ăn uống đi lại cho cả gia đình trong thời gian 4 ngày 3 đêm cũng chưa bẳng tổng tiền 4 vé máy bay khứ hồi” – chị Huệ nhẩm tính và nói.
Tương tự, chị Trang (29 tuổi, TP HCM) cũng cho biết hàng không Thái Lan thú vị khi có nhiều lựa chọn. Chẳng hạn bay nội địa từ Bangkok sang các địa điểm khác, ở các khung giờ đều có chuyến bay của nhiều hãng.
"Có chuyến bay từ sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok đến Phuket, tôi mua vé giá chỉ 900.000 - 1,2 triệu đồng. Thậm chí giá vé từ TP.HCM sang Bangkok còn rẻ hơn TP.HCM đi Đà Nẵng", chị Trang nói.
Nhiều khách hàng băn khoăn, dù có cùng khoảng cách và giờ bay nhưng giá vé của một số chặng bay nội địa tại Thái Lan rẻ hơn rất nhiều so với bay nội địa tại Việt Nam
Đồng quan điểm, khi so sánh bay nội địa trên các chuyến bay của Thái Lan so với bay nội địa của hãng hàng không Việt Nam, nhiều khách hàng cho biết dù có cùng khoảng cách và giờ bay nhưng giá vé của một số chặng bay nội địa tại Thái Lan rẻ hơn rất nhiều so với bay nội địa tại Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Hữu Y Yên, chủ tịch HĐTV tại một công ty du lịch, cho hay giá vé máy bay hiện chiếm khoảng 50% tổng giá một tour du lịch. Ví dụ, giá tour đi từ TP.HCM ra một số điểm thuộc tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long - Sa Pa kéo dài 5 ngày 4 đêm, giá bình quân 12 triệu đồng.
Giá tour Phú Quốc, cũng là điểm du lịch "hot", giá tour ở mức 7 - 8 triệu, giá vé các tuyến bay Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc... cũng chiếm khoảng 50% giá tour du lịch.
Với khó khăn của ngành hàng không, các chi phí, trượt giá..., giá vé máy bay tăng 20% và giá tour tăng 10% trong năm nay "là hợp lý". Vấn đề là làm thế nào để giải quyết bài toán khi giá vé máy bay tăng như vậy, các công ty lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, nhà hàng có thể ngồi lại với nhau để mức giá tour tăng 10% như hiện nay, có thể giảm xuống chỉ tăng 3 - 5%.
Còn theo lý giải của ông Đặng Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, giá vé máy bay tăng 15 - 20% nhưng phổ biến chỉ bằng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ 43% so với quy định. Theo ông Tuấn, nguyên nhân tăng giá vé là chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Riêng xăng dầu và tỉ giá biến động, nằm ngoài tầm kiểm soát của hãng bay.
Ông Đặng Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho hay ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách
Chẳng hạn, so với năm 2019, giá xăng năm nay tăng 5.700 tỉ đồng và chi phí tỉ giá biến động tăng thêm 4.700 tỉ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỉ đồng.
"Hiện tại, ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách. Nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa dông, phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 USD nêu trên cũng bay theo", ông Tuấn nói.
Cùng quan điểm, ông Trương Việt Cường - phó tổng giám đốc Bamboo Airways - cho biết chi phí thuê máy bay hiện nay tăng cao, khó thuê. Mới khoảng vài tháng trước thuê một máy bay (thuê ướt) dưới 3.000 USD/giờ, nhưng hiện kiếm một chiếc với giá 4.000 - 5.000 USD/giờ rất khó.
Trong thực tế thị trường hàng không Thái Lan đang cạnh tranh khốc liệt khi có đến 8 - 12 hãng bay đang hoạt động. Việt Nam chỉ có khoảng 3 - 4 hãng hoạt động, trong đó có hai hãng chiếm đến 90% thị phần gồm một hãng quốc gia và một hãng giá rẻ.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng hàng không Việt Nam đang thiếu tính cạnh tranh.
"Khi thị trường nội địa gần như nằm trong tay của hai hãng Vietnam Airlines và Vietjet, không tránh khỏi lo ngại nhìn nhau điều chỉnh giá vé, triệt tiêu tính cạnh tranh. Giá vé tiếp tục tăng cao, người dân phàn nàn, cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết thay vì đến hẹn lại kêu", ông Tống nói.
Do đó theo các chuyên gia hàng không, cần thêm những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành hàng không để tăng tính cạnh tranh.