Vì sao giáo dục không hấp dẫn vốn FDI?
Chi phí thuế cao, yêu cầu về nhân sự, số vốn yêu cầu tối thiếu đối với đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là quy trình phê duyệt phức tạp… những rào cản đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Kém hấp dẫn
Theo thống kế của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính lũy kế đến ngày 20/9/2020, cả nước có 32.658 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 381,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 225,8 tỷ USD, bằng 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 3,2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác và giáo dục đào tạo đứng chót bảng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.
Theo ông Phúc, tính đến 31/12/2019, Việt Nam đã có 525 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 4,4 tỷ USD, tăng 321 dự án FDI so với 5 năm trước. Số vốn đăng ký đầu tư cũng tăng trên 3,5 tỷ USD. Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học. Chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết, Nghị định 86 có hiệu lực từ ngày 1/8/2018 có mục đích thúc đẩy thành lập các trường quốc tế tại Việt Nam bởi số lượng các trường này còn đang khá hạn chế trong thời gian gần đây.
Trước thời điểm Nghị định 86 có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài đã gặp phải nhiều rào cản trong hoạt động đầu tư lĩnh vực giáo dục, ví dụ như giới hạn tỷ lệ học sinh, sinh viên Việt Nam. Các trường quốc tế tại Việt Nam vì vậy phụ thuộc nhiều vào tuyển sinh học sinh nước ngoài. Từ khi Nghị định này có hiệu lực, các trường quốc tế đã tận dụng cơ hội và thúc đẩy hoạt động tuyển sinh học sinh Việt Nam. Động thái này chắc chắn đã các tác động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc cơ hội hấp dẫn của thị trường giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Troy Griffiths nói rằng, xét một cách tổng thể thì giáo dục chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng FDI vào Việt Nam. Chi phí thuế cao, yêu cầu về nhân sự, số vốn yêu cầu tối thiếu đối với đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là quy trình phê duyệt phức tạp là một số rào cản đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng thừa nhận, dù việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam.
Thị trường tiềm năng
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều chính sách thu hút FDI vào giáo dục, điển hình là Nghị định 86. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn còn là quá sớm để hiểu hết được tác động của Nghị định 86, dù thị trường này rất giàu tiềm năng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ thu hút thêm FDI sau khi ký kết các hiệp định thương mại cũng như trở thành điểm đến thay thế lý tưởng cho các công ty đa quốc gia trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Số lượng người nước ngoài đến làm việc tại Việt nam sẽ tăng, mang theo gia đình của họ, từ đó tạo ra một lượng cầu đáng kể cho giáo dục quốc tế, đặc biệt là tại các thành phố thu hút nhiều FDI. Trong năm 2018, Việt Nam có hơn 320.000 lao động nước ngoài, tăng trung bình 8%/năm từ năm 2008. Một khảo sát trên các lao động nước ngoài năm 2019 của HSBC đã cho thấy Việt Nam tăng hạng từ vị trí 19 lên vị trí 10 trên bảng xếp hạng các nước có “môi trường làm việc và sống hấp dẫn” bởi chi phí sinh hoạt thấp và thu nhập đang tăng lên.
“Đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, với xu hướng hợp tác là chiến lược then chốt. Các chỉ số của thị trường sẽ duy trì ở mức khả quan. Khảo sát của ExpatFinder cho thấy học phí tại các trường quốc tế trên toàn cầu đã tăng 19% so với năm 2017, trong số đó một số nước có mức tăng còn cao hơn. Trong tương lai, học phí dự kiến sẽ tiếp tục tăng, với động lực từ những thay đổi trong nguồn nhân lực toàn cầu và chi phí sinh hoạt. Forbes dự báo ngành giáo dục sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với trị giá lên đến 89 tỷ đô la vào năm 2026. Nguồn cầu cho giáo dục chất lượng cao được duy trì nhờ điều kiện sống cao hơn và cơ cấu dân số vàng”, ông Troy Griffiths nói.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD - ĐT cho biết, với số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay hơn 23 triệu, có thể thấy nhu cầu tại Việt Nam là rất lớn. Trong khi hiện có 192.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, chứng tỏ khả năng tài chính của người dân Việt Nam rất tốt. Họ sẵn sàng đầu tư tiền của để con học ở môi trường giáo dục có chất lượng. Nếu có thể thu hút được một phần trong số những sinh viên này học tập tại Việt Nam thì rất tốt. Như vậy sẽ không bị chảy máu chất xám, chảy nguồn tiền ra nước ngoài nhưng quan trọng chất lượng giáo dục phải tốt.
Cũng theo ông Hưng, số lượng sinh viên quốc tế trong thời gian vừa qua đến Việt Nam cũng tăng rất nhanh, mỗi năm tăng 10%. Trong 5 năm qua, có hơn 21.000 sinh viên quốc tế đến Việt Nam.
Trong khi đó, chuyên gia giáo dục Trần Minh Cường nói rằng, đầu tư FDI vào lĩnh vực giáo dục Việt Nam là khó khăn vì mức học phí. Nếu học phí cao thì học sinh chọn lựa du học ở nước ngoài, ngược lại mức học phí thấp thì nhà đầu tư sẽ lỗ. Vận hành hệ thống trường quốc tế rất tốn kém vì mọi chi phí đều cao. Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến lương của nhân viên phải theo chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, việc tuyển sinh đối với các trường quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn vì học sinh Việt Nam có xu hướng du học nhiều hơn là học ở trong nước. Nhiều gia đình đủ điều kiện tài chính thì học sinh chưa đủ trình độ tiếng Anh để hòa nhập với chương trình... Do đó, muốn kêu gọi đầu tư FDI vào Việt Nam, nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt cho đầu tư giáo dục như miễn thuế dài hạn, cho sử dụng đất miễn phí. Có như thế thì giá học phí thấp xuống và nhiều gia đình Việt Nam có khả năng trang trải chi phí cho học sinh.
Giải pháp nào?
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD - ĐT nói rằng, chính quyền địa phương muốn thu hút đầu tư cho giáo dục, cần hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đơn giản thủ tục hành chính, giao đất sạch cho giáo dục và lập danh mục đầu tư rõ ràng. Trong khi đó, các trường đại học cần phải nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu, chuyển giao và công nhận tín chỉ, các chương trình liên kết đào tạo thực hiện với đối tác chất lượng cao và tích cực nâng cao thứ hạng thế giới. Còn các trường học thì thúc đẩy hợp tác quốc tế, cung cấp chương trình giáo dục chất lượng cao.