Vì sao giáo viên sợ Hiệu trưởng?

Khi đã không ưa thì 'dưa có giòi', giáo viên sẽ bị 'bới lông tìm vết', bị gây khó dễ đủ thứ chuyện, bị bắt ne bắt nẹt đủ điều, thậm chí luân chuyển, thôi việc.

LTS: Hiệu trưởng là người có vai trò rất lớn trong trường học. Thậm chí, rất nhiều trường hợp Hiệu trưởng lạm quyền nhằm mang lại lợi ích cho bản thân.

Cô giáo Thuận Phương chia sẻ những lý do chân thực nhất về việc tại sao giáo viên lại sợ Hiệu trưởng đến vậy.

Qua đó, độc giả sẽ thấy rõ hơn về bức tranh giáo dục tại cấp cơ sở hiện nay cũng như muôn vàn khó khăn của nghề “gõ đầu trẻ”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Giáo viên sợ Hiệu trưởng không phải là chuyện cá biệt nó đã trở thành chuyện phổ biến trong các trường ở khắp mọi nơi trên đất nước.

Nhiều câu hỏi được đặt ra “Vì sao phải sợ?”, “Mình không làm điều gì sai mắc mớ gì phải sợ ai?” Hay “Cứ làm tốt công việc của mình thì chẳng ai có thể làm gì để sợ…

Thế nhưng thực tế lại không được như vậy, khi đã không ưa thì “dưa có giòi”, sẽ bị “bới lông tìm vết”, bị gây khó dễ đủ thứ chuyện, bị bắt ne bắt nẹt đủ điều, nặng hơn là bị luân chuyển, bị cho thôi việc… nói chung là phải chịu đủ mọi chuyện thiệt thòi.

Nhiều vị Hiệu trường "một tay che cả bầu trời" khiến giáo viên không dám đấu tranh. (Ảnh minh họa trên Tuoitre.vn)

Nhiều vị Hiệu trường "một tay che cả bầu trời" khiến giáo viên không dám đấu tranh. (Ảnh minh họa trên Tuoitre.vn)

Hiệu trưởng cố tình làm khó

Có thể kể ra đây muôn vàn câu chuyện bị Hiệu trưởng làm khó như cố tình phân công cho dạy lớp có nhiều học sinh yếu (mà công tâm họ sẽ cho bốc thăm lớp).

Vào lớp dự giờ đột xuất bất cứ khi nào và xếp loại tiết dạy lại vô cùng khắt khe theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, kiểm tra đột xuất giáo án trên lớp (lỡ ngày đó không mang coi như là không soạn).

Tội này quy vào vi phạm quy chế chuyên môn cuối năm xếp loại sẽ bị hạ vài bậc thi đua.

Trong công việc, dù vô tình mắc sai sót gì cũng bị nêu tên nhắc nhở trên hội đồng nhà trường, bị nhắc đi nhắc lại bất cứ lúc nào Hiệu trưởng muốn.

Việc xếp loại công chức cuối năm, việc phê vào hồ sơ công chức cũng hết sức nặng nề…

Những chuyện này vẫn chưa thấm vào đâu so với việc phải điều chuyển khỏi nơi giảng dạy hoặc nằm trong diện dôi dư để có nguy cơ mất việc.

An phận thủ thường, tới tháng nhận đủ lương mặc ai muốn làm gì thì làm”. Ai cũng nghĩ thế và ai cũng làm thế.

Vậy nên Hiệu trưởng trong các trường học là “ông vua con” muốn gì được đấy.

Giáo viên không chỉ im lặng, sống an phận mà còn chà đạp lên nhau để sống như việc đi nói xấu đồng nghiệp với sếp, chia rẽ, gây mâu thuẫn để mình chiếm vị thế độc tôn không phải là ít.

Vì Hiệu trưởng cũng thích được mọi người xun xoe, bợ đỡ nên cũng sẵn sàng nghe và ra tay “thanh trừng” những người không tuân phục.

Phần lớn giáo viên phục tùng “vô điều kiện” dù biết những điều ấy không đúng.

Có trường mẫu giáo nơi tôi giảng dạy, một số giáo viên kể rằng trong mỗi cuộc họp hội đồng họ phải căng tai để tốc kí đến liệt bàn tay những lời Hiệu trưởng nói.

Một buổi sáng họp mà chép đến 14 trang giấy kế hoạch Hiệu trưởng phổ biến. Cứ vài tuần vị Hiệu trưởng trường này kiểm tra sổ ghi chép một lần và soi từng chữ, từng dòng.

Nếu phát hiện ra giáo viên nào chép thiếu lập tức được mời lên văn phòng chất vấn.

Chỉ mỗi ý kiến đề nghị Hiệu trưởng phô tô cái kế hoạch ấy phát cho giáo viên để đỡ phải ghi mất thời gian cũng chẳng ai dám lên tiếng vì họ sợ lại bị để ý, bị trù dập thì thiệt bản thân.

Thế rồi, cứ mỗi kì đến cuộc họp hội đồng, giáo viên lại phát sốt vì phải ngồi ghi tất cả những lời Hiệu trưởng phát ra.

Cấp trên thường có cách trấn áp giáo viên rất hiệu quả như một sự việc xảy ra, trước là mời lên Ban giám hiệu sau sẽ lên cấp Phòng làm việc.

Thế là họ dùng quyền lãnh đạo chất vấn, lên lớp, hù dọa… để triệt tiêu tinh thần đấu tranh và ngoan ngoãn chấp hành.

Ai sẽ bảo vệ giáo viên?

Giáo viên phải tự bảo vệ mình nên họ chỉ còn cách tập im lặng, làm lơ trước mọi sự việc coi như không biết, không nghe và không thấy.

Cũng đã có không ít thầy cô vì quá bức xúc đã làm đơn kiện lên cấp trên, sau khi nhận đơn, người ta lại chuyển đơn về tận trường để nhà trường giải quyết vì cho rằng “Đơn kiện vượt tuyến”.

Thế là mọi việc lại trở về nơi xuất phát, người kiện chẳng được gì còn mua thêm bao sự phiền toái.

Chẳng có giáo viên nào lại dám chống lệnh Hiệu trưởng để chuốc lấy những bất lợi về mình.

Nhiều giáo viên thường chia sẻ: “Mình chỉ muốn bình yên để lo cho gia đình, đấu tranh thì được gì để mang họa vào thân”.

Không có tinh thần tranh đấu, những thầy cô hằng ngày cứ cần mẫn, răm rắp nghe lời nên Hiệu trưởng có lộng quyền đến đâu, thu chi bất minh tài chính thế nào cũng chẳng giáo viên nào lưu tâm.

Vì thế nhiều sai phạm của Hiệu trưởng được che đậy, bưng bít trong suốt thời gian dài vì lẽ đó.

Đấu tranh với cái sai khi và chỉ khi giáo viên cùng đồng lòng để có được sự đoàn kết nhưng điều này đang trở nên hiếm hoi trong môi trường giáo dục hiện nay.

Thuận Phương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/vi-sao-giao-vien-so-hieu-truong-post175085.gd