Vì sao giấy chứng nhận đăng kiểm có hai loại khác nhau về màu sắc?

Cùng là giấy chứng nhận đăng kiểm xe cơ giới nhưng tùy mục đích sử dụng khác nhau, khi đi đăng kiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm có nền màu xanh hoặc màu vàng.

Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc giấy chứng nhận đăng kiểm xe cơ giới có hai loại với màu sắc khác nhau.

Về vấn đề này, đại diện một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, theo quy định giấy chứng nhận đăng kiểm xe cơ giới và tem kiểm định có hai màu sắc khác nhau là màu nền xanh và màu nền vàng, tùy thuộc vào loại xe đó có kinh doanh vận tải hay không.

Tùy theo mục đích sử dụng, ô tô đi đăng kiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định có nền màu xanh hoặc nền màu vàng (ảnh minh họa).

Tùy theo mục đích sử dụng, ô tô đi đăng kiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định có nền màu xanh hoặc nền màu vàng (ảnh minh họa).

Theo đó, giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định có nền màu vàng sẽ cấp cho xe kinh doanh vận tải (tức là xe có biển số màu vàng khi chủ xe đưa ô tô đi đăng kiểm).

Đối với xe không kinh doanh vận tải, biển số màu trắng, khi đi đăng kiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định có màu xanh.

Việc xác định xe có kinh doanh vận tải hay không khi đăng kiểm xe tại đơn vị đăng kiểm phụ thuộc vào màu nền của biển số xe, không phụ thuộc vào giấy đăng ký xe.

Theo Thông tư 08/2023 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023 và Thông tư 16/2021) quy định về kiểm định xe cơ giới cũng quy định, nếu ô tô có màu nền biển số thực tế khác với ký hiệu nền màu biển số ghi trên giấy đăng ký xe được xếp vào hư hỏng khiếm khuyết không quan trọng (Mid), ô tô vẫn được đăng kiểm bình thường.

Ô tô có biển số nền màu vàng nhưng giấy đăng ký xe ghi biển màu trắng hoặc ô tô có biển số nền màu trắng nhưng giấy đăng ký xe ghi biển màu vàng, vẫn được đăng kiểm. Khi xe đạt các hạng mục kiểm tra khác vẫn sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định.

Tuy nhiên, trung tâm đăng kiểm khuyến cáo, chủ xe nên đi đổi đăng ký xe sao cho đồng nhất thông tin với giấy đăng kiểm, bởi khi tham gia giao thông trên đường có thể bị lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt.

Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021) quy định, phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng nếu điều khiển xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc).

Hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tịch thu giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định cấp cho xe cơ giới phải có cùng một số sê ri, được in từ chương trình quản lý kiểm định trên phôi do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành, có nội dung phù hợp với hồ sơ phương tiện và dữ liệu trên chương trình quản lý kiểm định.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-giay-chung-nhan-dang-kiem-co-hai-loai-khac-nhau-ve-mau-sac-192240819144602557.htm