Vì sao giới khảo cổ tuyệt đối không chạm tay vào hai thứ 'sặc sỡ' trong mộ cổ?
Các nhà khảo cổ cho rằng chỉ cần chạm tay vào hai thứ này trong mộ cổ thì có thể chịu tổn thất rất lớn.
Với quan niệm mang lại một cuộc sống đủ đầy ở "thế giới bên kia", nhiều vàng bạc, đồ trang sức, bảo vật và các bảo vật trở thành vật bồi táng được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ. Tuy nhiên, trong quá trình khai quật các ngôi mộ cổ, vấn đề khiến các chuyên gia, nhà khảo cổ phải "vò đầu bứt tai". Đó là làm thế nào để bảo vệ những di vật văn hóa trong các ngôi mộ cổ.
Thông thường, những cổ vật như bình gốm sứ, bình vàng và bạc không sợ bị oxy hóa và chúng có thể vẫn còn nguyên vẹn sau hàng nghìn năm. Nhưng các cổ vật khác lại không như vậy. Nếu không được bảo vệ đúng cách, số cổ vật này có thể bị hư hỏng do quá trình oxy hóa hoặc các yếu tố khác.
Những đồ vật bồi táng phản ánh tín ngưỡng hoặc thói quen sinh hoạt của người xưa. Chẳng hạn, nếu trong mộ cổ tìm thấy trứng gà cho thấy chủ nhân của ngôi mộ có thể thích ăn trứng, duy trì sở thích này ngay cả sau khi qua đời. Đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ sự giàu có và thân phận không tầm thường của chủ nhân ngôi mộ.
Tuy nhiên, khi phát hiện ra trứng gà trong những ngôi mộ cổ nghìn năm, các nhà khảo cổ tuyệt đối không chạm tay vào để tránh cổ vật này bị hư tổn. Ngay cả khi dùng bàn chải mềm nhất để chạm vào thì vỏ trứng cũng sẽ bị vỡ vụn do chôn sâu dưới lòng đất trong hàng trăm năm. Thay vào đó, các chuyên gia sử dụng phương pháp chụp X quang nhằm xác định số lượng. Đặc biệt, thông qua kiểm tra ADN, các nhà nghiên cứu có thể xác định được số trứng trong mộ cổ đã được ngâm muối hay chưa.
Ngoài trứng gà, có hai thứ nhiều màu sắc mà các nhà khảo cổ sẽ tuyệt đối không chạm tay ngay sau khi phát hiện ra trong mộ cổ.
Thứ nhất là bích họa. Đây là những bức tranh lớn được vẽ trên các bức tường, vách hoặc trần nhà. Khi khai quật các ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ nhiều lần phát hiện ra bích họa. Những bức bích họa này được chạm khắc hoặc vẽ trên các bức tường của ngôi mộ cổ.
Nhiều bích họa vẫn còn có thể duy trì được trạng thái ban đầu với màu sắc, hình vẽ sinh động nhờ môi trường ổn định trong những ngôi mộ cổ. Tuy nhiên, sau khi ngôi mộ cổ được mở ra, dưới tác động của quá trình oxy hóa, những bức bích họa quý giá này có thể sẽ bị hư hại hoặc biến thành màu đen trong chốc lát.
Thứ hai là vải lụa. Trên thực tế, tơ lụa vốn được coi là một loại hàng hóa sang trọng và quý hiếm trong thời cổ xưa. Sản phẩm này thậm chí còn được sử dụng để đặt tên cho "Con đường tơ lụa", tuyến đường thương mại nổi tiếng kết nối phương Đông với phương Tây. Do quý hiếm nên tơ lụa, vải lụa cũng hiếm khi được tìm thấy trong những ngôi mộ cổ, bởi nó rất dễ bị phá hủy.
Theo các nhà khảo cổ, nguyên nhân vải lụa trong mộ cổ dễ bị hư hỏng cũng tương tự như bích họa. Cụ thể, dưới xúc tác của quá trình oxy hóa, chỉ cần chạm tay vào cũng có thể khiến những tấm vải quý này bị hư hại.
Sở dĩ các nhà khảo cổ học ở Trung Quốc không dám chạm tay vào vải lụa một phần xuất phát từ bài học trong quá khứ. Theo đó, vào những năm 1956 - 1958, khi khai quật Định lăng, lăng mộ của Vạn Lịch Đế của nhà Minh, dù tìm thấy rất nhiều cổ vật quý hiếm, trong đó có tơ lụa. Do ngành khảo cổ lúc bấy giờ vẫn còn lạc hậu và điều kiện vật chất thiếu thốn nên một số văn vật phát hiện trong lăng mộ này bị hư hỏng nghiêm trọng.
Ban đầu những tấm vải lụa trong lăng mộ này rất tinh xảo và lộng lẫy. Tuy nhiên, do sự thay đổi môi trường một cách đột ngột, những bảo vật này bắt đầu bị mốc và chỉ cần chạm nhẹ là hư hại ngay. Đây thực sự là một tổn thất rất lớn đối với cộng đồng khảo cổ.