La Mã cổ đại là một trong những nền văn minh có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử nhân loại. Trong những năm qua, các chuyên gia, nhà khoa học đã nỗ lực giải mã những bí ẩn về một trong những đế chế hùng mạnh nhất lịch sử.
Trong số này, trang phục của người La Mã thời cổ đại thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, màu sắc trang phục mà mỗi người dân La Mã mặc thể hiện địa vị của họ trong xã hội.
Do đó, mọi người chỉ cần quan sát màu sắc trang phục của người khác thì có thể biết được họ thuộc tầng lớp nào, gia thế như thế nào.
Ở La Mã thời cổ đại, những người dân xuất thân từ tầng lớp bình thường, thậm chí là nghèo khổ thường mặc trang phục có màu nâu vàng, xám đen. Đó là những màu sắc phổ thông, có giá thành rẻ.
Trong khi đó, giới thượng lưu mặc trang phục có màu tím, đỏ, xanh lá cây... Đây là những màu sắc rực rỡ, bắt mắt thể hiện sự quyền quý, giàu có của người mặc.
Theo các chuyên gia, sở dĩ giới thượng lưu La Mã luôn mặc trang phục có màu tím, đỏ hay xanh lá cây là vì để có được những màu sắc này vô cùng tốn kém. Người ta phải nhuộm vải bông hoặc lông cừu. Thuốc nhuộm thời đó chủ được được chiết xuất từ động vật có vỏ và rất khó sản xuất với số lượng lớn.
Trong đó, thuốc nhuộm màu tím được tạo ra từ 2 loài động vật có vỏ (Purpura pelagia hoặc Murex trunculus và Murex brandaris hay Purfura lapillus, Buccinum lapillus) có nguồn gốc từ bờ biển phía Đông Địa Trung Hải của đế chế Phoenician (ngày nay là Lebanon).
Loài Buccinum sống trên đá ở vùng nước tương đối nông trong khi loài Murex sống ở vùng nước sâu. Người ta sẽ phải bắt rất nhiều động vật có vỏ trên để tạo ra lượng thuốc nhuộm quý hiếm.
Bởi lẽ, theo ước tính, khoảng 12.000 con ốc Murex brandaris mới có thể tạo ra 1,4 gam thuốc nhuộm nguyên chất. Lượng thuốc nhuộm này chỉ đủ dùng cho một trang phục.
Trang phục được nhuộm từ những màu sắc nổi bật này khó bị phai màu. Do đó, giá cả cho mỗi trang phục của giới thượng lưu La Mã vô cùng đắt đỏ nên người bình thường khó có thể có đủ tiền để mua những bộ quần áo có màu tím, đỏ...
Mời độc giả xem video: Đến thăm thành phố La Mã, nơi thời gian ngừng trôi gần 2.000 năm.
Tâm Anh (theo Ancient-origins)