Vì sao giữa trời nắng lại có lũ ống?
Lũ ống xảy ra do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Ở các địa hình đá vôi có nhiều hang, khe, mực nước dâng cao tạo ra áp lực gây nên lũ ống ở các cửa ra.
Lũ ống thường xảy ra bất ngờ
Khoảng 9h ngày 1/10, giữa lúc thời tiết đang nắng ráo bất ngờ xuất hiện trận lũ ống tại bản Cha Ka 1 (xã Bảo Thắng), huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Sự việc kéo dài khoảng 7 phút, cuốn trôi hàng nghìn m3 đất đá, bùn xuống khe suối và đường gây ách tắc. Rất may trận lũ ống không gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lớn trong mấy ngày qua khiến nhiều đoạn đường liên xã, liên huyện đang bị chia cắt nghiêm trọng. Hiện tuyến vào trung tâm xã đang bị sạt lở nhiều vị trí khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập. Người dân muốn đi mua nhu yếu phẩm phải đi xe máy đường vòng hàng chục km xuống huyện Tương Dương. Cơ quan chức năng đang tích cực khắc phục hậu quả, dọn dẹp để giao thông thông suốt.
Trước đó, đêm 12/9, tại địa bàn thị xã Sa Pa có mưa rất to, lũ ống đột ngột đổ về làm 2 người chết, 4 người mất tích và cuốn trôi nhiều tài sản của người dân ở khu vực xã Nậm Cang cũ (nay là xã Liên Minh).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lũ ống, thường xảy ra trên các lưu vực nhỏ, miền núi, nơi có địa hình khép kín bởi các dẫy núi bao quanh và chỉ thông với bên ngoài bằng các hang, khe hoặc suối nhỏ, hẹp có bờ dựng đứng (dạng ống). Khi có mưa lớn, nước tập trung nhanh về thung lũng, làm nước dâng cao gây ngập lụt vùng thung lũng và lũ lớn tại các cửa hang, khe, suối nhỏ hẹp và chuyển động nhanh chóng về phía hạ lưu.
Lũ ống cũng có thể xảy ra ở những khu vực núi đá vôi, nơi thường có các hang động, hồ chứa ngầm được thông với bên ngoài bằng những cửa hang, khe núi nhỏ, hẹp. Khi có mưa lớn, nước tập trung nhanh về các hồ, động ngầm, làm mực nước dâng cao, có áp lực lớn gây ra lũ ống tại các cửa ra.
"Do địa hình không bằng phẳng nên ở miền núi có nhiều dãy núi cao đan xen nhau và kéo dài, ở giữa là các thung lũng, khe, suối và sông nhỏ. Tại những vị trí khe suối, sông nhỏ chảy qua hai bên sườn đồi núi thung lũng bị khép lại làm cho đường thoát nước bị hẹp dần và co thắt ở 1 điểm, đó là nơi sinh ra lũ ống. Khi mưa ở thượng nguồn lớn, nước đổ về nhiều, điểm co thắt không thoát nước kịp làm cho nước dâng nhanh ở phía trên và tạo dòng chảy xiết ở phía dưới eo co thắt nên hình thành lũ ống.
Cũng chính vì địa hình không bằng phẳng này làm cho nước ở trên cao đổ về bị nghẽn lại gây nguy hại cả cho phía trên và phía dưới eo thắt. Vùng trên của lũ bị tàn phá bởi nước dâng cao và tồn đọng lâu, phần dưới hứng chịu những đợt nước xiết có năng lượng rất mạnh đổ tràn xuống hạ lưu cuốn tất cả mọi thứ trên đường đi", TS Nguyễn Đức Hòa, chuyên gia về địa chất khoáng sản cho hay.
Chuyên gia cho rằng lũ ống xảy ra giữa trời nắng ở Nghệ An là chuyện bình thường bởi mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày ở khu vực này. Sau mưa, dù trời đã nắng lên nhưng đất vẫn ngậm nước, khả năng xảy ra lũ ống là hiện hữu.
Cảnh giác cao độ khi mưa lớn kéo dài
TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản cho biết, sạt trượt không chỉ xảy ra trong khi mưa mà còn có thể xảy ra sau khi mưa một thời gian khá dài, khi đất vẫn còn ngậm nước. Chỉ đến khi toàn bộ nền địa chất đã khô hẳn thì mới kết thúc chu trình sạt trượt. Do vậy, các chuyên gia cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác với các đợt mưa lớn dài ngày.
Không có công nghệ nào dự báo được lũ ống hay lũ quét, nhưng cần cảnh giác các đợt mưa lớn kéo dài, đặc biệt ở những nơi có địa hình nêu trên. Trước mùa mưa cần khơi thông lòng dẫn tăng khả năng thoát nước lũ, loại bỏ các vật cản tự nhiên, hay nhân tạo ngăn chặn đường của dòng chảy lũ, phát quang cây cối, làm sạch các loại vật liệu rắn chất đống trong lòng dẫn để tránh chặn ngang dòng chảy. Phá bỏ các công trình xây dựng không hợp lý, cải tạo hoặc bổ sung biện pháp công trình nhằm tăng khả năng thoát lũ tại các cầu, đập…
Trên thế giới, người ta xây dựng các công trình ngăn lũ bùn đá bằng đập ngăn, nhưng ở Việt Nam, việc áp dụng công trình ngăn lũ quét lũ ống còn rất mới cần có thời gian để nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm vì tính chất của lũ quét khác với lũ thông thường ở vùng trung du và đồng bằng.
Ở góc độ quản lý, cần xây dựng các hồ chứa, chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất, phát điện kết hợp với điều tiết lũ, phòng chống lũ quét. Đắp đập ngăn nước ở các khe suối, xây dựng hồ chứa nhỏ, vừa với nhiều kỹ thuật, biện pháp khác nhau trên cơ sở quy hoạch tổng thể những lưu vực có khả năng xuất hiện lũ quét cao, chú trọng bố trí tràn sự cố, kiểm tra điều kiện làm việc, an toàn các đập, hồ chứa.
Tích cực trồng cây, bảo vệ rừng, trồng cây giúp chống sói mòn, sạt lở đất bởi cây xanh làm chậm sự bốc hơi nước, tăng độ ẩm không khí. Khi đến mùa mưa bão, cây có thể giúp giữ nước và cản trở quá trình chảy ào ạt của dòng nước, thổi ào ạt của gió, từ đó giúp hạn chế tình trạng bão, lũ lụt, sói mòn đất do nước chảy mạnh.
Đối với người dân, cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạp… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi, vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.
Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-giua-troi-nang-lai-co-lu-ong-169231002112159029.htm