Vì sao gói vay mua nhà ở xã hội giải ngân thấp, chính sách nào hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà?

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cho rằng, sau dịch COVID-19, người có thu nhập thấp và công nhân sẽ càng khó khăn trong việc đi vay để sở hữu nhà ở xã hội.

Người thu nhập thấp khó vay để mua nhà ở xã hội

Liên quan đến vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng sáng 11/11, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ cho vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư theo nghị quyết của Chính phủ.

Về vấn đề ngày, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng, chương trình một triệu căn hộ nhà xã hội là chủ trương lớn, nhân văn, giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng cũng cần rất nhiều nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

Hiện NHNN đã có báo cáo Chính phủ về việc các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra gói 120.000 tỷ, đến nay đã lên đến 145.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm 1,5-2% so với mức thông thường trong 3 năm với người có thu nhập thấp và 5 năm với chủ đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cho rằng, sau dịch COVID-19, người có thu nhập thấp và công nhân sẽ càng khó khăn trong việc đi vay để sở hữu nhà ở xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cho rằng, sau dịch COVID-19, người có thu nhập thấp và công nhân sẽ càng khó khăn trong việc đi vay để sở hữu nhà ở xã hội.

Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn chương trình này còn thấp do địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình, ngoài ra khách hàng vay vốn vẫn phải đáp ứng các điều kiện theo vay quy định.

Thống đốc NHNN đánh giá, trong bối cảnh hậu COVID-19 cả doanh nghiệp lẫn người dân đều gặp khó khăn thì người có thu nhập thấp sẽ càng khó khăn hơn. "Người bình thường đã rất khó khăn, huống chi người có thu nhập thấp và công nhân. Nên họ không thể đi vay để sở hữu nhà", bà Hồng cho hay.

Về chương trình triển khai trong thời gian tới, Thống đốc NHNN cho biết đây mới là giai đoạn đầu nên các ngân hàng chưa tăng giải ngân, khi kinh tế bớt khó khăn việc giải ngân sẽ được "tăng tốc".

Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cho rằng, để chương trình một triệu nhà ở xã hội thực sự có hiệu quả, Bộ Xây dựng và địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu và thuê nhà ở của người thu nhập thấp để có giải pháp phù hợp.

Cũng liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới NHNN sẽ có giải pháp như thế nào để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản đang trầm lắng như hiện nay, đặc biệt các giải pháp cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội giải quyết nhu cầu nhà ở trong khi gói vay 120.000 tỷ giải ngân rất thấp?

Trả lời ĐBQH, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ thực trạng thị trường bất động sản đang bị mất cân đối về cung cầu trên các phân khúc bất động sản, đặc biệt là đối với phân khúc bất động sản cho người có thu nhập thấp.

Riêng với phân khúc nhà ở thu nhập thấp, bà Hồng nhấn mạnh về nguồn lực chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. NHNN đã đề xuất gói 120.000 tỷ đồng, thời gian tới sẽ tích cực triển khai.

Về những đối tượng thuộc diện cho vay hỗ trợ nhà, đất ở thuộc các chương trình của Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai, ví dụ tại miền núi khi được bố trí nguồn thì các giải pháp sẽ được thực hiện theo các chương trình.

Nhiều giải pháp "gỡ khó" cho thị trường bất động sản

Đối với thị trường bất động sản nói chung, bà Hồng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong Nghị quyết 33 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản.

Dưới sự của chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có những giải pháp như hỗ trợ thị trường. Cụ thể, NHNN đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp không trả được nợ. Điều này được thực hiện qua việc NHNN đã ban hành thông tư để cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, từ đó các khoản nợ của doanh nghiệp đã được cơ cấu lại, tiếp cận nguồn vốn vay mới.

NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm, miễn lãi với các dự án trong đó có các dự án bất động sản. Ngoài ra, NHNN tạm chưa thực hiện các thông tư về cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ. "Một số thông tư quy định tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp thì chúng tôi cũng đã sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường bất động sản" Thống đốc NHNN thông tin.

Về tín dụng bất động sản, bà Hồng khẳng định, NHNN không cấm cho vay bất động sản. Các ngân hàng cho vay dựa trên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản và căn cứ khả năng huy động nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn của ngân hàng

Việc các ngân hàng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng, dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động. Toàn hệ thống tín dụng của Việt Nam tiền gửi huy động đến 80% là vốn ngắn hạn, nên khả năng cho vay tiếp tục thị trường bất động sản phải dựa trên nguyên tắc an toàn, để đảm bảo khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-goi-vay-mua-nha-o-xa-hoi-giai-ngan-thap-chinh-sach-nao-ho-tro-nguoi-thu-nhap-thap-mua-nha-169241111123755304.htm