Vì sao Hà Nội chưa khép kín được đường Vành đai 3,5?
Tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 đang chậm tiến độ khiến Hà Nội chưa thể khép kín...
Ì ạch thi công
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Vành đai 3,5 là tuyến đường kết nối khu vực phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng, nhiều phân khu đô thị và khu dân cư thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì và Hoài Đức..., tạo thành vành đai phía Tây Thủ đô.
Quyết định số 922 về phê duyệt chỉ giới đường đỏ của UBND TP Hà Nội đã nêu rõ: "Tổng chiều dài tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Đại lộ Thăng Long khoảng 9,4 km".
Đến nay tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến quốc lộ 6 điểm đầu tuyến giao với Đại lộ Thăng Long, điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 6 đi qua địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông đã được đưa vào hoạt động từ hàng chục năm. Song, đoạn tuyến đường Vành đai 3,5 trên địa bàn huyện Hoài Đức có chiều dài 5,5km hiện vẫn là công trường ngổn ngang.
Đáng nói, từ khi khởi công đến nay dự án đã nhiều lần phải điều chỉnh lùi tiến độ. Theo yêu cầu ban đầu của TP Hà Nội, dự án phải hoàn thành từ năm 2019. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư lại xin kéo dài đến năm 2021, đến nay tiếp tục xin lùi tiến độ kéo dài đến năm 2025.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án tuyến đường Vành đai 3,5 trên địa bàn huyện Hoài Đức đang được triển khai theo 3 dự án và giao cho UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư.
Cụ thể, dự án 1 dài khoảng 1,14km có tổng mức đầu tư hơn 379 tỷ đồng. Hiện nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Khối lượng thi công đạt 90%. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Dự án 2 đầu tư xây dựng 3,76km VĐ3,5, tổng mức đầu tư hơn 1.057 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đã hoàn thành GPMB 96%, thi công đạt 80% khối lượng công việc. Tuy nhiên, dự án gặp khó khăn vướng mắc khi chưa tiến hành khai quật di dời 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối; còn 2 ngôi mộ tổ đang thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ dân nhất trí di chuyển bàn giao mặt bằng cho dự án. Dự kiến hoàn thành năm 2022.
Dự án 3 sẽ đầu tư 0,6km, tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng. Hiện dự án đang tiến hành triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát và thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Dự kiến hoàn thành năm 2025.
Nguyên nhân do đâu?
Tại văn bản số 1145 ngày 18/11 báo cáo UBND TP Hà Nội về quy hoạch, hiện trạng đầu tư tuyến đường Vành đai 3,5 trên địa bàn huyện Hoài Đức, ông Đỗ Việt Hải - Phó giám đốc Sở GTVT cho biết: Hiện nay, 2/3 dự án do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành theo tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc triển khai các dự án đầu tư chậm so với kế hoạch ban đầu, dẫn đến dự án phải gia hạn tiến độ thời gian thực hiện nhiều lần".
Theo ông Hải, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 (2 năm 2020, 2021) dẫn đến dự án không triển khai được theo tiến độ ban đầu phải triển khai các thủ tục lập, thẩm định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện. 2 dự án đã hoàn thành (80-90% khối lượng) nhưng vướng mắc cục bộ về GPMB cũng trong công tác hoàn thiện thủ tục để bàn giao mặt bằng phục vụ công tác thi công.
Cùng đó, giá nguyên liệu vật liệu tăng cao trong khi đó thông báo giá vật liệu của liên sở chưa theo kịp với thực tế, gây khó khăn không nhỏ cho các nhà thầu thi công.
Từ đây, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND TP giao cho các Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì với các ngành, đơn vị liên quan phối hợp với UBND huyện Hoài Đức đẩy nhanh tiến độ công tác khai quật di dời nửa phía Tây Khu di tích Vườn Chuối, sớm bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thành dự án theo kế hoạch.
Chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án ở các đoạn Km1+700 - Km2+050; Km2+550 - Km3+340).
Theo các chuyên gia giao thông, tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn Hoài Đức là trục đô thị cấp đặc biệt, kết nối các quận, huyện Hà Nội như: Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Thường Tín với 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp. Cuối tuyến giao với đường 32 đoạn qua cổng chào huyện Hoài Đức, đi qua các xã An Khánh, Vân Canh, Di Trạch, Kim Chung...khi hoàn thiện sẽ giúp kết nối khu đô thị mới trên địa bàn, hoàn thiện hạ tầng khung và cũng là tuyến quan trọng phát triển đô thị phía đông đường Vành đai 4. Do đó, cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ để phục vụ cho nhân dân đi lại, phát triển kinh tế khi Hoài Đức lên quận.