Vì sao Hà Nội luôn giữ 'quán quân' giá hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt cao nhất trong nhiều năm liên tiếp?
Theo Chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến Hà Nội có giá cả hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước, bao gồm nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá cả hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt ở thành phố Hà Nội trở nên đắt đỏ nhất cả nước trong nhiều năm liền.
Cụ thể, báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá cả hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước, theo sau là TPHCM, Quảng Ninh...
Sức nóng của mặt bằng giá được kích bởi mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với địa phương khác.
Kể từ khi chỉ số SCOLI được công bố, Hà Nội luôn nằm trong nhóm địa phương "đắt đỏ" nhất cả nước. Hà Nội cũng được chọn là gốc để so sánh giá hàng hóa, dịch vụ của 62 địa phương còn lại nên chỉ số SCOLI của thành phố luôn ở mức 100%.
Hà Nội cũng luôn nằm trong nhóm địa phương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước.
Đến quý III/2023, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân lao động tại Hà Nội đạt 9,9 triệu đồng, cao hơn TPHCM (9,3 triệu đồng). Trong khi đó, giá sinh hoạt tại TPHCM bằng 98,4% Hà Nội.
Quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nguyên nhân khiến Hà Nội giữ "quán quân" này là có sự góp phần của hệ lụy từ hệ thống phân phối "ăn dày", đẩy giá.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, chỉ số giá sinh hoạt của Hà Nội cao nhất cả nước có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Về lý do khách quan, theo ông Phú, có đến 70% hàng hóa cung cấp cho Hà Nội là từ phía Nam nên phải chịu chi phí vận chuyển. Ngoài ra, Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, dịch vụ phát triển, cũng kích thích giá cả đắt đỏ hơn.
Về lý do chủ quan khiến giá sinh hoạt tại Hà Nội đắt đỏ đến từ hệ thống phân phối yếu, trung gian "ăn dày" đẩy giá hàng hóa lên cao. Mặt hàng "dễ thấy dễ nhìn" nhất chính là thịt lợn, khi lợn hơi chỉ loanh quanh khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng lợn thành phẩm trong siêu thị vẫn trên 200.000 đồng/kg.
Điều này càng thêm khẳng định, khâu trung gian đã khiến 1kg giá thịt lợn từ trang trại đến bán lẻ tăng/chênh lệch đến 70%.
Về phía chợ truyền thống, việc quản lý giá cũng khó triển khai, do hàng hóa không niêm yết giá, mua bán không hóa đơn, khó quản lý. Giá cả luôn trong tình trạng lên nhanh, xuống chậm, đã lên thì rất hiếm khi điều chỉnh.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. Đây là "nút thắt" tồn tại quá lâu, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá để điều tiết giá cả hàng hóa hợp lý.