Vì sao hàng kém chất lượng, hàng cấm vẫn tràn lan trên sàn giao dịch thương mại điện tử?
Với sự phát triển của sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), chỉ cần ngồi nhà có một cú click chuột khách hàng sẽ được giao tận tay những thứ mình cần, từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, thậm chí cả hàng cấm như vũ khí, chất gây nghiện…
"Treo đầu dê bán thịt chó"
Vào một số sàn giao dịch TMĐT khách hàng có thể chọn mua bất cứ loại hàng hóa có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Khi có nhu cầu mua bất cứ món đồ nào, khách chỉ cần gõ tên của chúng là một loạt kết quả sẽ hiện ra với đủ chủng loại và giá cả khác nhau.
Điều đáng nói là ở một số sàn giao dịch TMĐT, với cũng 1 sản phẩm nhưng với mỗi gian hàng giá lại có sự chênh lệch khá lớn, nơi vài trăm, có nơi lại bán tiền triệu. Khi khách hàng đặt câu hỏi bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề này thì gian hàng bán giá thấp thường trả lời “hàng đang được giảm giá”. Tuy vậy, chỉ đến khi nhận sản phẩm, khách hàng mới thấy không ít mặt hàng có chất lượng khác xa so với quảng cáo.
Chị Lê Bình Ngân ở Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, cách đây 1 tháng, chị vào một trang TMĐT để đặt mua nước tẩy đa năng. Theo quảng cáo, loại nước tẩy này có thể “đánh bay” mọi vết bẩn, cặn bám trên các vòi nước inox và chậu rửa.
Tuy vậy, sau khi nhận hàng đem ra dùng thử, chị Ngân vô cùng thất vọng khi thấy sự thực không giống như lời giới thiệu. Dung dịch trong chai nước tẩy rửa đa năng chẳng khác nào nước xà phòng pha loãng, không có tác dụng làm sạch vết bẩn dù chị Ngân đã chà đi chà lại nhiều lần. Chị Ngân nhắn tin phản ánh lên trang bán hàng thì hệ thống chỉ ghi nhận và…để đó.
Không chỉ bán hàng kém chất lượng, một số sàn TMĐT còn cho phép bán hàng không được phép quảng cáo, hàng cấm như thuốc kích dục, rượu, thuốc lá, vũ khí, chất gây nghiện…
Có thể xử lý hình sự ?
Về các quy định liên quan đến giao dịch TMĐT, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Thông tư 47/TT-BCT của Bộ Công Thương, quy định về Quản lý website TMĐT nếu rõ, các thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website TMĐT để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh như: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; Rượu các loại; Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Thương nhân lập website để bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải công bố trên website số, ngày cấp và nơi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó.
Các sàn TMĐT có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.
Bên cạnh đó, các trang TMĐT phải loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
Song, để thu hút đông đảo người mua và bán, tăng doanh thu chiết khấu giá sản phẩm, quảng cáo, một số sàn TMĐT không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung trên. Do đó, cá nhân kinh doanh có thể thoải mái đăng tải trên sàn TMĐT các loại mặt hàng mà không bị kiểm soát.
Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, thời gian qua, các sản phẩm bị cấm vẫn xuất hiện trên các trang TMĐT. Về xử lý vi phạm, Khoản 3 điều Điều 83 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, một sànTMĐT cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nhưng để đối tác bán hàng vi phạm có thể bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng.
Quy định đã có, song việc kiểm tra hoạt động TMĐT gặp không ít khó khăn. Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn, khi bán hàng cấm đã cố tình không đưa rõ hình ảnh sản phẩm, đưa tên khác hoặc tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng...
Mặt khác, do mức phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được nên không đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng bán hàng giả, nhát, hàng cấm trên các trang TMĐT, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, tăng mức xử phạt, buộc các chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm với sản phẩm bày bán trên sàn của mình.
Về phía người tiêu dùng, khi có tranh chấp hoặc có khiếu nại về hàng hóa khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có thể liên hệ với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam... Ngoài ra, để hạn chế rủi ro, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng trên các website uy tín, hợp pháp, có các chính sách bán hàng rõ ràng - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.