Vì sao hàng loạt đại gia ôtô rút khỏi thị trường Ấn Độ?

4 năm sau khi General Motors rời Ấn Độ, đầu tháng này, Ford cũng quyết định đóng cửa các nhà máy ở bang Tamil Nadu và Gujarat sau khi lỗ hơn 2 tỷ USD trong 10 năm...

Ford là hãng xe Mỹ mới nhất rời khỏi Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Theo tờ Deccan Herald của Ấn Độ, khi mua một chiếc Chevrolet Cruze hoặc Ford Fiesta, một khách hàng sẽ dựa nào niềm tin rằng đó là mẫu xe đáng tin cậy của Mỹ với những hiệu năng đã được kiểm chứng. Những mẫu xe như thế này cũng nhận được sự hâm mộ nhất định. Tuy nhiên, thời huy hoàng đó đã không còn.

RA ĐI VÌ THUA LỖ HAY VÌ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH?

4 năm sau khi General Motors rời Ấn Độ, đầu tháng này, Ford cũng quyết định đóng cửa các nhà máy ở bang Tamil Nadu và Gujarat dù vẫn tiếp tục sản xuất động cơ ôtô để xuất khẩu và bán một số dòng xe nhập khẩu tại đây.

Ford cho biết công ty đi đến quyết định này sau khi lỗ hơn 2 tỷ USD trong 10 năm hoạt động tại thị trường này và phải ghi giảm giá trị tài sản 800 triệu USD năm 2019.

Theo các nhà phân tích, quyết định của Ford không hoàn toàn xuất phát từ tình hình kinh doanh bi quan. Một số yêu cầu quan trọng của ngành công nghiệp ôtô, như thuế hàng hóa và dịch vụ ưu đãi, đã không được chính phủ Ấn Độ đáp ứng. Một số quan ngại khác đối với những hãng xe như Ford là thuế phí lăn bánh cũng như giá nhiên liệu tăng dần đều.

“Các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) trong ngành ô tô tại Ấn Độ liên tục phải đối mặt với những thay đổi pháp lý trong thời gian ngắn, chỉ vài năm. Đó là việc áp dụng tiêu chuẩn BS-4, BS-6, rồi đột ngột thúc đẩy sản xuất xe điện, định mức tải trọng trục, chính sách phế liệu… Chính sách thường xuyên thay đổi hoặc bất ổn định đã khiến các OEM không muốn tiếp tục hoạt động ở Ấn Độ”, nhà phân tích ngành ôtô Vahishta Unvalla cho biết.

Sự ra đi của Ford được cho là chắc chắn sẽ gây ra cú sốc đối với ngành công nghiệp ôtô Ấn Độ, đặc biệt là khi công ty này là một trong những hãng xe khổng lồ toàn cầu đầu tiên thiết lập hoạt động kinh doanh tại đây vào đầu những năm 1990 – thời điểm Ấn Độ mở cửa lại nền kinh tế.

Ấn Độ, thị trường ôtô lớn thứ 5 thế giới, có tiềm năng khổng lồ nhưng lại không dễ khai thác. Các nhà phân tích cho rằng đây là thị trường đặc biệt nhạy cảm với giá, nơi mà thứ người tiêu dùng quan tâm nhất chính là giá trị của đồng tiền. Các hãng xe phải điều chỉnh xe của mình cho phù hợp với nhu cầu của thị trường đồng thời khiến người tiêu dùng Ấn Độ thấy được giá trị trong đó.

Đó là lý do Kia, Hyundai và Maruti đang làm tốt với những mẫu xe cỡ nhỏ - yếu tố quan trọng nhất giúp các hãng này thành công ở Ấn Độ. Trong khi đó, Ford chủ yếu mang các mẫu xe toàn cầu của mình đến thị trường đông dân thứ hai thế giới.

Giới quan sát nhận định, tại Ấn Độ, Ford chưa từng thành công. Hai dòng xe tốt nhất của Ford - EcoSport và chiếc hatchback Figo trước đây - từng gây được tiếng vang nhưng điều này không kéo dài lâu. Một số nhà phân tích cho rằng, việc lập kế hoạch sản phẩm kém và không thích ứng với thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của hãng xe Mỹ tại thị trường này.

Trường hợp của Ford không khác nhiều so với General Motors, một đại gia ôtô khác của Mỹ khi cả hai đều thất bại trong việc “đọc vị” thị trường.

Một trường hợp khác của Mỹ cũng không thành công ở Ấn Độ là nhà sản xuất xe môtô Harley-Davidson. Ấn Độ sở hữu thị trường xe môtô bùng nổ nhưng chủ yếu tập trung vào phân khúc xe máy giá rẻ.

Tuy nhiên, trước khi Harley-Davidson rời khỏi Ấn Độ, chiếc xe rẻ nhất của hãng tại đây là Street 750 với giá khoảng 600.000 Rupee (tương đương hơn 8.100 USD) chưa bao gồm thuế - mức giá nằm ngoài khả năng chi trả của hầu hết người Ấn Độ.

TÁC ĐỘNG TỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ

Giới phân tích nhận định, dù các đại gia ôtô rõ ràng rời đi sau khi thất thế, nhưng đây là điềm báo không hay đối với sáng kiến Make-in-India đầy tham vọng của chính phủ Ấn Độ, khi mà hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này phát triển mạnh nhờ cung ứng sản phẩm phụ trợ cho những công ty như Ford.

Giới thạo tin cho hay việc Ford đóng cửa nhà máy ảnh hưởng tới khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ấn Độ. Ảnh hưởng không chỉ ở chỗ nhiều người mất việc mà còn là những tác động gián tiếp khi một số ngành công nghiệp vi mô hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn đặt hàng của Ford. Khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ cung cấp sản phẩm cho 3-4 công ty, do đó quyết định đóng cửa của Ford khiến họ mất khoảng 40% đơn hàng.

Kể từ khi các hãng ôtô lớn đặt nhà máy ở thành phố Chennai, bang Tamil Nadu, hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên cung cấp sản phẩm phụ trợ cho ôtô bắt đầu mọc lên tại đây.

Quyết định của Ford tác động không nhỏ tới ngành công nghiệp phụ trợ tại Ấn Độ - Ảnh: Reuters

P.B. Ravikumar, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất công nghiệp Sipcot Pillaipakkam cho biết các công ty vừa và nhỏ hiện đã dừng hầu hết hoạt động cung ứng lẽ ra dành cho Ford.

“Một số doanh nghiệp vừa mà nhỏ phụ thuộc vào các khách hàng lớn. Khi không nhận được đơn hàng nữa, khả năng thanh toán của họ giảm đi đáng kể”, ông Ravikumar cho biết.

Trong khi đó, ông K.E. Raghunathan, người đứng đầu Tổ chức các Hiệp hội Ấn Độ, cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định của Ford.

“Trong ngành công nghiệp ôtô, cứ mỗi nhân viên trực tiếp thì có 3-4 nhân viên gián tiếp và 2 gã khổng lồ. Tôi lo rằng đây mới chỉ là khởi đầu bởi các đại gia ôtô đang phải đối mặt vô số thách thức", ông Raghunathan nói.

Ông Raghunathan cho rằng đã đến lúc chính quyền bang Tamil Nadu phải lập một ủy ban đánh giá để thảo luận với các doanh nghiệp có ý định rời khỏi đây.

“Nếu Ford rời đi mà không tìm được bên mua lại nhà máy của họ, chúng ta chẳng có lựa chọn nào ngoài việc tìm tới sự giúp đỡ của chính phủ. Chính phủ phải giúp chúng ta đảm bảo việc làm”, P. Sentilkumar, Tổng thư ký Liên đoàn Lao động Chennai Ford, cho biết.

Tuy nhiên, theo một quan chức trong chính phủ Ấn Độ, việc Ford rời khỏi thị trường có thể sẽ không ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, bởi quyết định của hãng xe Mỹ xuất phát từ các nguyên nhân trong hoạt động kinh doanh của họ, chứ không phải vì môi trường kinh doanh.

“Chính phủ Ấn Độ sẵn sàng đối thoại và hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô”, vị quan chức trên thông tin. “Trong 6 năm qua, hơn 35 tỷ USD đã được đầu tư vào ngành này, bao gồm 4,4 tỷ USD mới từ hơn 10 công ty".

Quan chức này cho biết trước khi quyết định đóng cửa nhà máy, Ford không yêu cầu chính phủ hỗ trợ và lãnh đạo công ty này cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại Ấn Độ.

Đức Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-hang-loat-dai-gia-oto-rut-khoi-thi-truong-an-do.htm