Vì sao hàng triệu giáo viên mong chờ đợt cải cách tiền lương từ 01/7/2024?
Sau khi thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến từ 01/7/2024, các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm, giáo viên cũng sẽ được tăng thêm từ 5-7%.
Thông tin việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW dự kiến được thực hiện từ 01/7/2024 là một thông tin rất được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó có lực lượng giáo viên phấn khởi, đồng tình.
Hàng triệu giáo viên phấn khởi, cám ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm để thực hiện cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giáo viên.
Hy vọng với đợt cải cách này, phần lớn giáo viên sẽ sống được bằng lương, tạo động lực lớn để mọi giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, nhảy việc, cũng là cơ hội nâng tầm vị thế nhà giáo, nâng tầm vị thế ngành sư phạm trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề mà giáo viên đặc biệt quan tâm chính là bảng lương giáo viên sắp tới khi thực hiện cải cách tiền lương và sau cải cách thì mức lương sẽ ra sao, bảng lương mới có giải quyết được những bất cập, tồn tại lương hiện nay.
Những hạn chế của việc chi trả lương giáo viên hiện nay
Từ năm 2015, Thông tư liên tịch 20-23/TTLT-BGDĐT-BNV quy định việc xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông thành 4 hạng từ hạng I đến hạng IV.
Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên mầm non, phổ thông còn 3 hạng từ hạng I đến hạng III.
Hiện nay, theo các Văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập giáo viên từ mầm non, phổ thông được chia thành 3 hạng như sau:
Giáo viên mầm non hạng III, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89; giáo viên mầm non hạng II từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên mầm non hạng I từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.
Giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.29 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên tiểu học hạng II từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; giáo viên tiểu học hạng I, mã số V.07.03.27 từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Giáo viên trung học cơ sở hạng III, mã số V.07.04.32 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên trung học cơ sở hạng II từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; giáo viên trung học cơ sở hạng I từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78.
Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên trung học phổ thông hạng II từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38; giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13 từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Tuy nhiên, từ khi xuất hiện các Thông tư về bổ nhiệm, chuyển xếp lương theo hạng còn tồn tại nhiều bất cập như:
Thứ nhất, các địa phương chuyển xếp lương mỗi nơi mỗi kiểu
Thực hiện chuyển xếp lương từ Thông tư 20-23/2015 sang Thông tư 01-04/2021 được bổ sung bởi Thông tư 08/2023 (được hợp nhất bởi các Thông tư Văn bản hợp nhất 08-11/2023) của Bộ Giáo dục và Đào tạo có tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, trăm hoa đua nở.
Có địa phương đã chuyển lương cho giáo viên hoàn tất, có địa phương hiện nay chưa chuyển xếp lương cho giáo viên, giáo viên vẫn hưởng lương theo Thông tư 20-23/2015 dù Thông tư liên tịch này đã hết hiệu lực từ 20/3/2021.
Ngay trong địa bàn một tỉnh, có huyện thì đã chuyển xếp lương, có địa bàn vẫn chưa bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới.
Thứ hai, chia thành các hạng còn vô lý
Theo nguyên tắc chia hạng, giáo viên giỏi, công tác tốt, hiệu quả cao được xếp ở hạng cao, được hưởng lương cao.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm chuyển xếp lương tại các cơ sở giáo dục hiện nay chưa công bằng, còn cào bằng.
Nhiều cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, nhiều giáo viên có thành tích, được tín nhiệm,…nhưng vẫn đang xếp lương giáo viên hạng III, IV có hệ số lương trung cấp (1,86-4,06), cao đẳng (2,1-4,89).
Nhiều giáo viên chưa có thành tích, cống hiến nhiều, không được tín nhiệm,…nhưng vẫn được hưởng lương hạng II mới có hệ số lương 4,0-6,38.
Và trong số đó, có những người không có thành tích, không giữ nhiệm vụ được bổ nhiệm từ hạng II cũ có hệ số lương 3,0, 3,33 sang hệ số lương 4,0, chưa được hợp lý, công bằng, khoa học.
Thứ ba, công việc như nhau, chia thành các hạng cũng khó thuyết phục
Về lý tưởng, chia hạng là cần thiết, vì giáo viên hạng cao là làm việc nhiều, hiệu quả cao,…
Nhưng, hiện nay, giáo viên chia hạng còn khiên cưỡng, bởi vì giáo viên làm công việc như nhau, giáo viên cùng giảng dạy, giáo dục học sinh; thực hiện định mức giảng dạy như nhau, thi đua, khen thưởng như nhau,…nên chia thành các hạng khác nhau khó tạo công bằng.
Giáo viên được bổ nhiệm hạng cao thì gần như suốt đời xếp ở hạng cao, dù thực hiện công việc chưa hiệu quả, thậm chí có bị kỷ luật cũng chưa có quy định nào xuống hạng.
Thứ tư, phụ huynh không muốn con em mình học với giáo viên hạng “bét”
Thực tế, nhiều giáo viên giỏi, công tác tốt nhưng vẫn bị xếp ở hạng III, IV hay nói đúng hơn là hạng thấp nhất, hạng “bét”.
Phụ huynh sẽ không an tâm khi gởi mình cho những giáo viên hạng “bét” đó.
Nhưng, ít phụ huynh và người dân biết rằng nhiều giáo viên hạng thấp đó là những người có bề dày kinh nghiệm, là giáo viên giỏi cấp tỉnh, bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia,…
Do đó, thông tin cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc được giáo viên hết sức quan tâm, vui mừng, hy vọng lương sẽ cân bằng hơn, khoa học hơn.
Bảng lương của giáo viên ra sao khi cải cách tiền lương dự kiến từ 01/7/2024?
Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương/năm, không bao gồm phụ cấp).
Hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo của cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giáo viên bao gồm:
Một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã (dự kiến bảng lương dành riêng cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn (những người hưởng phụ cấp chức vụ hiện nay).
Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. (bảng lương giáo viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn).
Ngoài ra, nội dung cải cách theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cũng đề cập về việc bãi bỏ một số khoản thu nhập của công chức, viên chức như sau:
Một là, các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước gồm: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo...
Hai là, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ công an, quân đội, cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).
Ba là, mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Không gắn mức lương của cán bộ, công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương. Do đó, khi thực hiện được nhiệm vụ thì sẽ nhận được mức khoán lương phù hợp với kết quả đã làm được mà không cào bằng như trước đây.
Bốn là, bên cạnh đó sẽ bãi bỏ khoán quỹ lương thì chính sách cải cách tiền lương còn nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương như tiền xe ô tô, điện thoại…
Dự kiến sau cải cách tiền lương từ 01/7/2024, từ sau năm 2024 mỗi năm dự kiến tăng lương từ 5-7%
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến, sau năm 2024, tiền lương sẽ tăng 5 - 7% mỗi năm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong nội dung Kỳ họp thứ sáu lần này khi xem xét vấn đề tài chính ngân sách thì Quốc hội sẽ quyết định luôn lộ trình và phương án cải cách tiền lương. Chúng ta đã chuẩn bị được khoảng 500.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương, đủ để cải cách tiền lương từ nay đến 2025. Cải cách chứ không phải chỉ có điều chỉnh tiền lương, hướng là sau này không có hệ số lương mà gắn với vị trí việc làm. Cho nên việc xây dựng vị trí việc làm rất là quan trọng. Ý đồ của cải cách tiền lương là những người đang hưởng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng bây giờ, chuyển sang hệ thống thang bảng lương như doanh nghiệp.
"Dự kiến sau năm 2024, mỗi năm tăng thêm khoảng 5 - 7% nữa để trong một thời gian ngắn, mức lương thấp nhất của khu vực công chức sẽ đứng ngang bằng với khu vực sản xuất", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ khi giải đáp ý kiến của các cử tri. [1]
Tức là, sau khi thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến từ 01/7/2024, các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm, giáo viên cũng sẽ được tăng thêm từ 5-7%.
Giáo viên mong việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW sẽ tạo được động cống hiến, tạo công bằng xóa bỏ những bất cập, hạn chế của việc chia hạng hiện nay đối với giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/tien-luong-cong-chuc-se-tang-5-7-moi-nam-tu-nam-2024-747279
[2] Nghị quyết 27?NQ-TW