Vì sao hàng triệu người ám ảnh với Bitcoin bất chấp rủi ro?
Tâm lý sợ bỏ lỡ, kích thích từ tính biến động mạnh và kỳ vọng đổi đời nhờ Bitcoin khiến hàng triệu người đổ xô vào thị trường tiền điện tử bất chấp những rủi ro.
Sau 3 năm, cơn sốt Bitcoin đã trở lại.
Nếu trong bong bóng năm 2017, Bitcoin chỉ chạm đỉnh gần 20.000 USD/BTC rồi nhanh chóng vỡ vụn thì ngày nay, đà tăng vượt bậc đã đưa đồng tiền điện tử này có khi vượt 40.000 USD/BTC hồi đầu tháng 1. Tuy nhiên, không giữ được đà tăng lâu, giá của Bitcoin trong những ngày gần đây tiếp tục sụt giảm mạnh. Hiện, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đang giao dịch ở mức 32.542 USD/BTC, theo Coindesk.
Theo CNBC, ngay cả các tổ chức tài chính chính thống cũng dần quan tâm nhiều hơn đến tiền điện tử. Ngân hàng JP Morgan & Chase khẳng định trong dài hạn, nếu vốn hóa thị trường của Bitcoin đủ lớn để cạnh tranh với vàng thì giá của đồng tiền mã hóa có thể đạt 146.000 USD/BTC.
"Văn hóa" Bitcoin
Không đơn thuần là một loại tiền điện tử, sự trồi sụt quá lớn của Bitcoin đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Tỷ phú Mark Cuban nói với Forbes: "Bitcoin giống một hình thức tôn giáo hơn là giải pháp cho các vấn đế nền kinh tế đang gặp phải".
Những người đam mê Bitcoin có biệt ngữ riêng như HOLD (đầu tư dài hạn mặc những biến động của thị trường) hay "Cá voi" (chỉ những nhà đầu tư Bitcoin lớn). Các hội nghị về Bitcoin cũng thu hút hàng nghìn người tham dự.
Thậm chí, những người chơi Bitcoin thường chọn mua xe Lamborghini như một minh chứng mình thuộc thế giới của đồng tiền mã hóa. Ông Finn Breton, giáo sư khoa học và công nghệ tại Đại học California Davis, nói: "Văn hóa xung quanh Bitcoin cũng là một phần của sự hấp dẫn".
"Khi bạn mua Bitcoin, thực chất bạn đang mua toàn bộ những gì liên quan đến Bitcoin. Và những thứ này góp phần định danh bạn là ai", ông Breton phân tích.
Bên cạnh đó, sự lan truyền mạnh mẽ các thông tin về giao dịch Bitcoin trên các nền tảng mạng xã hội góp phần mạnh mẽ vào đã tăng trưởng của tiền điện tử. Ngày nay, từ hình ảnh những người nổi tiếng đầu tư vào Bitcoin, cho đến mật độ tương tác cao của cộng đồng Bitcoin trên Twitter hay TikTok đã khiến các phương tiện truyền thông xã hội trở thành kênh quảng bá hiệu quả cho Bitcoin.
Truyền thông có công lớn
Ông Utpal Dholakia - giáo sư Marketing tại Đại học Rice, khẳng định các nền tảng xã hội có khả năng thúc đẩy hành vi tài chính của người xem. Nghiên cứu chỉ ra khi mọi người nói về các khoản đầu tư trên mạng, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm những kênh đầu tư rủi ro hơn so với các loại đầu tư mà họ thường thực hiện. "Tương tư như vậy, động lực này áp dụng cho nhiều quyết định đầu tư vào Bitcoin được đưa ra trong thời điểm này", Dholakia nói.
Bên cạnh đó, sự biến động khó lường của Bitcoin cũng kích thích nhiều nhà đầu tư mạo hiểm. Nhiều nhà đầu tư nổi tiếng, như Kevin O’Leary hay Jim Cramer, ví việc mua Bitcoin giống như một chuyến đi đến Las Vegas. Trước đó, nhà đầu tư thiên tài Warren Buffett đã nói Bitcoin giống như một trò cờ bạc. "Tuy nhiên, cảm giác hồi hộp khi đánh bạc lại kích thích một số người", Dholakia nói.
Tom Meyvis, giáo sư Marketing tại Trường Kinh doanh Leonard N. Stern thuộc Đại học New York, ví dụ: "Việc kiểm tra giá cổ phiếu thường xuyên khá nhàm chán. Tuy nhiên với một thứ như Bitcoin, nhà đầu tư có thể liên tục kiểm tra 10 lần/ngày và giá có thể thay đổi liên tục".
Tâm lý sợ bỏ lỡ
Nhiều người phấn khích trước triển vọng một loại công nghệ mới sẽ làm thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu. CNBC dẫn lời một số chuyên gia thị trường tiền điện tử cho rằng đà tăng vượt bậc của giá Bitcoin những tháng qua chỉ là sự khởi đầu. Ông Chamath Palihapitiya, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Social Capital: "Bitcoin có thể lên tới 100.000 USD, sau đó là 150.000 USD, thậm chí là 200.000 USD. Tôi không chắc khi nào, có thể là 5 hoặc 10 năm, nhưng điều đó sẽ đến".
Tuy nhiên, không ít người cho rằng đây chỉ là một "cơn cuồng" đầu cơ nguy hiểm. Trong một năm qua, giá Bitcoin tăng vũ bão tới 300%. Theo thống kê của Grayscale Investments (công ty đứng sau một quỹ Bitcoin), hơn 3 tỷ USD tiền mặt đã chảy vào các sản phẩm của hãng trong quý IV/2020.
Các câu chuyên tậu nhà, mua xe, trở thành triệu phú nhờ Bitcoin thúc đẩy mọi người có thêm động lực dấn thân vào tiền mã hóa với ước mong đổi đời. Bên cạnh đó, sự công nhận của các gã khổng lồ tài chính chính thống như Paypal và Square khiến nhà đầu tư khó lòng đứng ngoài thị trường Bitcoin nóng sốt. "Mọi người chỉ tập trung vào mặt thuận lợi hơn là những rủi ro của Bitcoin, vì vậy họ rất dễ bị cuốn vào những lời mời gọi đầy hấp dẫn từ Bitcoin", Meyvis nói.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang, thế hệ Millennials (những người sinh từ 1981 đến 1996) chỉ kiểm soát khoảng 4,6% tài sản của Mỹ trong nửa đầu năm 2020. Breton nói biết sự phấn khích với Bitcoin, đặc biệt ở những người trẻ tuổi, cho thấy kỳ vọng sở hữu loại tài sản có thể giúp giàu lên nhanh chóng của người trẻ tuổi.