Vì sao hàng Trung Quốc đội lốt hàng VietGAP?
Mấy ngày nay người tiêu dùng ai cũng bị sốc khi nghe thông tin rau củ Trung Quốc được 'hô biến' thành hàng VietGAP trên kệ Bách Hóa Xanh. Phẫn nộ, phê phán, tẩy chay là điều đương nhiên.
Nhưng đằng sau câu chuyện này là một loạt câu hỏi lớn gửi đến lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các bộ ngành khác liên quan.
Câu hỏi đầu tiên, chất lượng rau củ của Trung Quốc như thế nào? Lâu nay, người ta râm ran về chất lượng thực phẩm khô, đông lạnh, nước giải khát, nội tạng động vật và rau củ quả tươi sống có vấn đề. Nào là uống thứ nước ấy bị vô sinh, mực làm từ cao su, gạo làm từ nhựa và rau củ quả tươi được bón bằng thuốc tăng trưởng cực nhanh và ngâm tẩm hóa chất cực độc sau bảo quản.
Không biết có phải vì thế nhiều người có xu hướng dè chừng, số khác thì tẩy chay với thực phẩm rau xanh tươi sống từ Trung Quốc. Nhưng điều lạ là hàng Trung Quốc vẫn nhập về hàng trăm ngàn tấn mỗi ngày. Vấn đề ở chỗ nếu nó độc hại như thế sao nhập về nhiều thế, chắc chắn nhập chính ngạch không phải tiểu ngạch hay nhập lậu. Bằng chứng là chợ đầu mối Thủ Đức mỗi đêm hàng tươi sống Trung Quốc đổ về 550-600 tấn, gần Tết còn nhiều hơn.
Cho đến nay chưa có đánh giá cấp quốc gia hay của TPHCM công bố chất lượng hàng hóa tươi sống nhập từ Trung Quốc về các chỉ số định lượng các loại hóa chất có trong thuốc trừ sâu, trong phân bón sử dụng trong quá trình trồng trọt, trong thuốc bảo quản rau trái sau thu hoạch độc hại đến mức nào? Tỷ lệ hóa chất tồn dư bảo vệ thực vật sau thời gian ngâm tẩm, phun xịt còn lại là bao nhiêu? Ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hay không?
Chẳng hạn chất Carbendazim (trị nấm, đang bị cấm sử dụng do có nguy cơ gây ung thư cho người) trên các sản phẩm cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh, mồng tơi, húng cây, rau dền; hoạt chất Permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất Cypermethrine (thuốc trừ sâu) trên các loại cải, húng cây, rau muống hạt; hay hoạt chất Imidacloprid (thuốc trừ sâu) trên cải ngọt, cà chua…
Nếu tất cả chỉ số đo lường này bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì công bố rộng rãi cho dân biết để yên tâm. Như thế bà con tiểu thương công bố đàng hoàng với người mua đây là rau, củ, quả Trung Quốc, không cần phải nói dối đây là nho Mỹ, táo New Zeland, lê Hàn Quốc. Còn Bách Hóa Xanh đàng hoàng trưng bày trên kệ mà không phải làm điều thất đức là bóc nhãn thay tem VietGAP vào, và người mua hàng của Trung Quốc không thấy mình như bị lừa.
Mấy năm gần đây, Trung Quốc không còn là bạn hàng dễ tính. Họ đưa ra các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra vùng trồng... đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Họ chỉ nhập xoài, vải, nhãn, sầu riêng khi đã đến tận nơi sản xuất, thu hoạch để kiểm tra chất đất, loại nước, quá trình trồng chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mới quyết định ký hợp đồng. Khi hàng qua cửa khẩu họ lại kiểm tra lần nữa để đảm bảo an toàn cho dân họ. Tại sao chúng ta không làm thế với hàng hóa của họ?
Câu hỏi tiếp theo, tại sao nông sản của họ rẻ? Người bán ngoài chợ và nhân viên bán hàng trong Bách Hóa Xanh biết rõ hàng Trung Quốc, biết rõ việc mình nói dối để kiếm lời là thất đức và vi phạm pháp luật, nhưng vẫn làm. Vì sao? Bởi hàng Trung Quốc đẹp hơn, mọng hơn, tươi lâu hơn và rẻ hơn rất nhiều hàng nội. Ai cũng thừa nhận rau, củ quả Trung Quốc bắt mắt hơn, cải thảo, bắp cải đầy đặn, xanh mướt; táo, nho, lê tròn mẩy, bóng lưỡng; cà rốt, khoai tây to đều. Rau của Đà Lạt để được 3 ngày (trong tủ lạnh) bị héo úa, còn rau Trung Quốc 5-7 ngày còn tươi nguyên.
Để tìm hiểu vì sao hàng Trung Quốc rẻ, tôi đã cất công ra chợ, siêu thị khảo sát giá và hỏi người bạn đang kinh doanh rau củ từ Đà Lạt về, mới thấy giá chênh lệch rất xa so với hàng Trung Quốc. Chẳng hạn hàng Trung Quốc như cải thảo 15.000 đồng/kg, khoai tây vàng 14.000 đồng/kg, cà rốt 15.000 đồng/kg, bông cải trắng 35.000 đồng/kg, hành tây 15.000 đồng, nho 80.000 đồng/kg, tỏi 25.000 đồng/kg. Trong khi hàng của Đà Lạt cùng chủng loại có giá cao hơn 2-3 lần. Loại rau củ nào cũng có quy trình trồng như nhau, cũng gieo giống xuống đất, chăm sóc, bón phân, tưới nước, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, thời gian sinh trưởng… mà sao sản phẩm của họ rẻ thế. Chưa kể nếu so sánh tại chỗ giá thành sản phẩm của họ còn rẻ nữa, vì khi đến tay người tiêu dùng Việt Nam phải cộng thêm biết bao chi phí cho các khâu như phân loại, đóng gói, bốc vác, lưu kho, thuế, cước vận tải, tỷ lệ % hư hỏng.
Vậy hàng hóa nông sản của Trung Quốc rẻ có phải đúng như tin đồn là họ sử dụng những loại thuốc kích thích tăng trưởng thần kỳ rút ngắn thời gian trồng cây, nuôi con xuống còn 30-50% so với quy chuẩn? Họ sử dụng các loại giống đã được biến đổi gen nên phát triển như vũ bão? Thí dụ, họ trồng rau cải, cà rốt trong 10 ngày là thu hoạch, nên giá rẻ. Nếu quả như vậy không nên nhập về để làm hại dân mình. Còn nếu không phải như vậy, cần làm rõ việc lâu nay chúng ta làm ăn như thế nào mà nông sản có giá thành cao và luôn không đủ cung cấp cho thị trường nên bị hàng nông sản Trung Quốc lấn át.
Chúng ta cần xem lại từ khâu giống, đất, phân, nước, quy trình trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và các kỹ thuật canh tác khác để sao cho hàng nông sản Việt có chất lượng cao hơn hiện nay không thấp hơn các nước khác, có giá thành thấp hơn để người dân sử dụng.
Thời gian gần đây, chúng ta đã chú ý đến nông nghiệp, nhưng mới chú ý đến loại nông, thủy sản xuất khẩu được như gạo, cá, vải, xoài, thanh long… Trong khi đó, thị trường nội địa với các loại rau trái phục vụ bữa ăn hàng ngày vẫn bị bỏ ngỏ, các loại rau quả VietGAP, GlobalGAP, Organic chỉ là nhãn hiệu cho có. Nếu không làm được điều này, việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt chất lượng cao trong siêu thị, ngoài chợ sẽ rất khó xóa bỏ được, vì lợi nhuận mang lại cho hành vi gian dối này quá cao.