Vì sao hậu quả của siêu bão Helene ngày càng thảm khốc?
Theo các nhà nghiên cứu, địa hình đồi núi, kết hợp với lượng mưa lớn chính là những yếu tố cộng hưởng khiến cho thảm họa do siêu bão Helene gây ra tại Mỹ càng trở nên tàn khốc hơn, đặc biệt ở khu vực phía tây bang Bắc Carolina.
Cập nhật tới sáng 2/10, bão Helene đã khiến ít nhất 140 người tử vong; bên cạnh hàng trăm người khác vẫn đang mất tích. Trong tất cả các khu vực, Bắc Carolina hiện là bang chịu hậu quả nặng nề nhất khi có ít nhất 56 người thiệt mạng. Riêng quận Buncombe của bang này đã ghi nhận 40 trường hợp tử vong do mưa lũ.
Theo Thống đốc bang Bắc Carolina Roy Cooper, 92 đội tìm kiếm, cứu hộ từ khắp cả nước đã dồn về địa phương này để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn; trong đó chủ yếu tập trung chung quanh khu vực núi Appalachian.
Lý giải về hậu quả ngày càng tàn khốc của bão Helene, nhà khí tượng học địa phương Corey Davis cho rằng: Chuỗi thảm họa “chưa từng thấy” là sự kết hợp “không may” giữa các yếu tố thời tiết, thủy văn và địa lý.
Các báo cáo thực tế cho thấy, một lượng mưa “gần như không thể tưởng tượng được” đã đổ xuống nhiều bang tại Mỹ. Gặp những đỉnh núi cao, mưa tiếp tục biến đổi thành những những dòng suối nhờ đổ theo các thung lũng, trước khi “tăng cấp”, tạo ra lũ lụt có cường độ mạnh và mức ảnh hưởng trên diện rộng.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas nhận định, bão Helene là một cơn bão có “quy mô lịch sử” và việc tái thiết sẽ “cực kỳ tốn kém và mất nhiều năm”. Trong khi đó, thống kê cũng cho thấy, mưa lũ đã phá hủy hàng nghìn kilomet đường dây truyền tải và cột điện trên nhiều bang. Điều này khiến việc khôi phục lại điện sẽ có khả năng kéo dài vài tuần. Hiện tại, vẫn có hơn 1,4 triệu ngôi nhà tại 6 bang bị mất điện.