Vì sao hồ sơ Tổng công ty Thép Việt Nam bị đề nghị Bộ Công an điều tra?
Qua thanh tra, Thanh tra chính phủ phát hiện nhiều vi phạm tại khu đất của Tổng công ty Thép Việt Nam ở số 120 Hoàng Quốc Việt có nguy cơ gây thất thu ngân sách và chuyển hồ sơ kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định.
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đây là kết quả hoạt động thanh tra đối với 9 khu đất/dự án tại TP Hà Nội, Tp.HCM và tỉnh Bình Dương, qua đó đã phát hiện việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, thực hiện dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ, các cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp còn để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm.
Nguy cơ thất thu ngân sách tại dự án của Tổng công ty Thép Việt Nam
Trong số này có khu đất với diện tích 2.291 m2 của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền chuyển mục đích sử dụng đất của dự án không theo đúng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều đó dẫn đến tổng số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách của khu A (932m2) thấp hơn 57,595 tỷ đồng so với giá trị quyền sử dụng đất đã được Bộ Công Thương phê duyệt trong giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 1/1/2010 khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam.
Thanh tra Chính phủ nhận định, việc đó nguy cơ làm giảm giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, dẫn đến giảm số tiền tương ứng phải nộp ngân sách nhà nước.
"Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về UBND TP Hà Nội, các sở ngành có liên quan (Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế) và Tổng công ty Thép Việt Nam- CTCP", cơ quan thanh tra chỉ rõ.
Từ ngày 21/5/2012 đến nay, dự án tại số 120 Hoàng Quốc Việt vẫn không được thực hiện. Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, các cơ quan quản lý khu đất đã vi phạm điểm a khoản 6, khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003; vi phạm điểm đ khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất. Đồng thời vi phạm điểm b, điểm c khoản 6 Điều 97 Nghị định số 43/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Chưa dừng lại ở đó, theo kết luận thanh tra, khu đất bị một số người dân lấn chiếm, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai nhưng chưa được cơ quan liên quan xử lý dứt điểm. Điều này dẫn tới nguy cơ thất thoát quyền sử dụng đất.
Do vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND TP Hà Nội chủ trì kiểm tra, xử lý chấm dứt dự án Đầu tư nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ và thu hồi đất tại số 120 Hoàng Quốc Việt của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP theo quy định pháp luật.
Hà Nội cũng phải chỉ đạo thực hiện xử lý sau thanh tra đối với những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, lấn chiếm đất đai tại dự án trên, theo Kết luận thanh tra số 1916/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Sau khi đánh giá vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu để xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Cổ phần hóa tại Tổng công ty Thép Việt Nam - nguy cơ tiền của nhà nước bị chiếm dụng trong thời gian dài
Trước đó, tại Kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP ngày 7/7/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương, chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, một số vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng công ty Thép Việt Nam.
Cụ thể, việc xác định giá trị doanh nghiệp tại Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ và Công ty Thép Miền Nam khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam (VVFC)
Qua kiểm tra việc xác định tỷ lệ chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị để xác định giá trị tài sản khi cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam cho thấy VVFC xác định tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc thiết bị của Công ty Thép Miền Nam và Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ không đúng quy định, dẫn đến xác định giá trị tài sản không đúng, thiếu 344.700 triệu đồng (tạm tính).
Theo đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình, Bộ Công Thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp Tổng công ty Thép Việt Nam không đúng, dẫn đến xác định thiếu giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Vnsteel là 344,7 tỷ đồng. Trong đó, 92 máy móc thiết bị của Công ty Thép Miền Nam là 237,35 tỷ đồng và 35 máy móc thiết bị của Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ là 107,33 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, trách nhiệm thuộc VVFC, Công ty Thép miền Nam, Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ; Tổng giám đốc, Kế toán trưởngTổng công ty Thép Việt Nam; Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam, Bộ Công Thương.
Theo Kết luận Thanh tra, Tổng công ty Thép Việt Nam lập báo cáo tài chính kỳ kế toán cuối cùng của doanh nghiệp nhà nước từ ngày 1/1/2011 - 30/9/2011 (đã được kiểm toán), phần thuyết minh tại báo cáo tài chính có nội dung: “phải trả về cổ phần hóa là 583.917 triệu đồng" (gồm cả giá trị vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Giao nhận kho vận Ngoại Thương Việt Nam mà Tổng công ty Thép Việt Nam được bàn giao quản lý trong năm 2010).
Đến tháng 4/2019, Tổng công ty Thép Việt Nam mới nộp Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp số tiền hơn 111 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 năm (tính đến thời điểm thanh tra tháng 9/2018), Tổng công ty Thép Việt Nam chưa hoàn thành việc quyết toán cổ phần hóa, chưa thực hiện nộp tiền cổ phần hóa vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Mặc dù việc chậm quyết toán có nguyên nhân khách quan do quy định của nhà nước về cổ phần hóa thay đổi, dẫn đến phát sinh một số vướng mắc liên quan đến đất đai.
Tuy nhiên, các khoản phải nộp về v số tiền gần 584 tỷ đồng (theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán thời điểm chính thức chuyển sang cổ phần 30/9/2011) hầu như không liên quan đến vướng mắc đất đai hay sự thay đổi quy định về cổ phần hóa. Do vậy việc Tổng công ty Thép Việt Nam chậm nộp tiền về cổ phần hóa là sai quy định tại khoản 3, Điều 21 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, nguy cơ tiền phải nộp về cổ phần hóa bị chiếm dụng trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, việc phân phối kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Thép Việt Nam giai đoạn từ 1/10/2011- 30/6/2018, tổng lợi nhuận sau thuế khoảng 876 tỷ đồng, trong khi cổ đông nhà nước nắm 93,93% vốn điều lệ chưa được chia cổ tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm điểm và chỉ đạo, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến khuyết điểm vi phạm; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo, xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến khuyết điểm vi phạm được xác định tại Kết luận Thanh tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp chấn chỉnh đối với các công ty tư vấn thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp có khuyết điểm vi phạm.