Vì sao học sinh thường chọn học thêm với thầy cô dạy chính khóa?

Đa phần những học sinh phổ thông đi học thêm là sẽ học với thầy cô đang dạy chính khóa, vừa gần và vừa thuận lợi học tập trên lớp và có lợi về điểm số.

Những năm trước đây, khi mà việc tuyển sinh đại học, tuyển sinh 10 chủ yếu áp dụng hình thức thi tuyển thì những thầy cô giáo giỏi luôn có nhiều học sinh tìm đến để học thêm. Các trung tâm gia sư, luyện thi đại học cũng thu hút một lượng lớn thí sinh khi gần bước vào thời điểm thi.

Bây giờ, hình thức xét tuyển đại học bằng học bạ đã được triển khai, áp dụng đối với gần hết các trường đại học và nhiều trường trung học phổ thông ở một số địa phương cũng áp dụng hình thức xét tuyển 10 bằng học bạ nên học sinh đi học thêm không phải vất vả tìm thầy như trước.

Đa phần những học sinh phổ thông đi học thêm là sẽ học với thầy cô đang dạy chính khóa, vừa gần và vừa thuận lợi học tập trên lớp và có lợi về điểm số. Không mấy thầy cô dạy thêm cho học trò chính khóa lại không nương tay trong việc đánh giá, cho điểm học trò.

Tính thực dụng giữa học sinh học thêm và giáo viên dạy thêm là điều dễ thấy nhất trong từng lớp học. Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cũng nêu nguyên tắc dạy thêm, học thêm: "Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh" cũng rất ít giáo viên thực hiện đúng.

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Xét tuyển bằng học bạ, học sinh đi học thêm với thầy cô dạy chính khóa sẽ có nhiều cái lợi

Việc xét tuyển đại học bằng hình thức học bạ trong những năm gần đây có xu hướng ngày càng nhiều và ngay cả hình thức xét tuyển học bạ cũng có nhiều cách thức thực hiện khác nhau.

Chẳng hạn: Điểm xét tuyển = (Điểm TB cả năm lớp 10 + Điểm TB cả năm lớp 11 + Điểm TB HK 1 lớp 12)/3 + Điểm ưu tiên (nếu có) ; Điểm xét tuyển = (Điểm TB cả năm lớp 11 + Điểm TB HK 1 lớp 12)/2 + Điểm ưu tiên (nếu có).

Điểm xét tuyển = (Điểm TB cả năm lớp 10 + Điểm TB cả năm lớp 11 + Điểm TB cả năm lớp 12)/3 + Điểm ưu tiên (nếu có) ; Điểm xét tuyển = (Điểm TB lớp 12 môn 1 + Điểm TB lớp 12 môn 2 + Điểm TB lớp 12 môn 3)/3 + Điểm ưu tiên (nếu có)…

Việc đa dạng cách thức xét tuyển học bạ đã mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh muốn học đại học vì thí sinh có nhiều lựa chọn có lợi cho riêng mình để tìm kiếm một chuyên ngành phù hợp với năng lực, số điểm học bạ mà mình đã đạt được.

Hơn nữa, việc xét tuyển học bạ trong những năm gần đây không chỉ là những trường đại học địa phương, những trường mới thành lập mà những trường lớn, uy tín cũng vận dụng hình thức xét học bạ cho một số lượng chỉ tiêu nhất định nên học sinh trung học phổ thông có điểm học bạ càng cao sẽ càng có lợi khi xét tuyển.

Chính vì thế, nhiều học sinh khi bước vào lớp 10 đã chủ động trong học tập và cố gắng tận dụng mọi cơ hội nhằm cải thiện học bạ của mình có được điểm số đẹp nhất có thể. Tất nhiên, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân thì gần như học sinh nào cũng đi học thêm một số môn học liên quan đến khối, ngành xét tuyển đại học sau này.

Khi đi học thêm, tất nhiên học sinh sẽ chọn cách học thêm tại trường (nếu nhà trường mở lớp) hoặc học thêm tại nhà thầy cô đang dạy chính khóa của mình, rất ít học sinh học thêm với thầy cô giáo trường khác, lớp khác vì dù sao học với thầy cô đang dạy mình cũng có nhiều thuận lợi.

Thuận lợi đầu tiên là lớp thầy cô đang dạy chính khóa sẽ có nhiều bạn bè cùng lớp sẽ không lạ lẫm. Bên cạnh đó, thầy cô cũng biết mình, biết năng lực cụ thể của mình để có thể giúp đỡ trong học tập.

Đặc biệt, học thêm với thầy cô chính khóa sẽ giảm được áp lực học tập ở trên lớp. Nếu trả bài, thầy cô cũng không quá căng thẳng hay buông những lời nặng nề, nếu kiểm tra thường xuyên thì gần như thầy cô cũng đã “định hướng” ở lớp học thêm cho học trò.

Vì thế, điểm số học tập trên lớp không phải là điều học sinh phải lo lắng quá nhiều. Bởi vì với quy định hiện nay, điểm thường xuyên có thể được kiểm tra nhiều lần và giáo viên sẽ lấy điểm cao nhất của học sinh để tổng kết trung bình môn.

Đối với học sinh lớp 9 ở những địa bàn không thực hiện thi tuyển thì việc giáo viên hào phóng cho điểm thường xảy ra. Những học sinh đi học thêm với thầy cô chính khóa là những em hưởng lợi nhiều nhất.

Chính vì thế, trường trung học phổ thông nào xét tuyển bằng học bạ là điểm chuẩn thường cao ngất ngưởng vì các trường trung học cơ sở đua nhau đẩy điểm lên cao. Từ đó đã xảy ra tình trạng những trường thi tuyển (tỉ lệ chọi cao) nhưng điểm chuẩn luôn thấp hơn rất nhiều so với trường xét tuyển bằng học bạ (tỉ lệ chọi rất thấp).

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT đã không phù hợp với thực tế ngay từ khi ban hành

Ngày 16/5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định dạy thêm, học thêm đã hướng dẫn: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.

Thế nhưng, thực tế tại nhiều địa phương không phải vậy. Giáo viên tiểu học vẫn dạy thêm các môn văn hóa cho học sinh một cách bình thường. Đương nhiên, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập cũng đang tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường (tại nhà) mà ít bị xử lý.

Chuyện giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa hay không chính khóa cũng chẳng ai đến kiểm tra bao giờ. Giáo viên dạy hay, dạy dở gì không biết nhưng nếu giáo viên dạy những môn có thể mở lớp dạy thêm được là sẽ mở lớp dạy thêm cho học trò.

Nội dung dạy thêm, cách tổ chức dạy thêm tại nhà cô giáo như thế nào cũng chẳng ai đến kiểm tra. Giáo viên càng dễ dãi, dạy nhẹ nhàng ở lớp dạy thêm, nhẹ nhàng trên lớp chính khóa và thoáng trong cách kiểm tra, cho điểm thì học sinh càng thoải mái, thích học.

Suy cho cùng, mấu chốt của phần lớn học sinh, phụ huynh là cần điểm số, cần danh hiệu cuối năm học, cần đậu tuyển sinh 10, đậu đại học…những điều này giáo viên dạy thêm có thể giúp học sinh toại nguyện được.

Rất ít học sinh đi học thêm bị tổng kết điểm trung bình (đạt) vì nếu học thêm mà có mức điểm như vậy thì học sinh học thêm làm gì. Vì thế, điểm trung bình môn của học sinh bây giờ nhiều em đạt loại giỏi (tốt) và phần lớn sẽ đạt từ mức điểm khá trở lên.

Khi học bạ đẹp, học sinh có lợi thế trong xét tuyển, nhất là học sinh trung học phổ thông xét tuyển vào đại học vì hình thức này đang được phần lớn các trường đại học thực hiện trong những năm gần đây.

Cũng chính vì thế, nếu như trước đây nhiều giáo viên giỏi khi về hưu vẫn luôn có học sinh tìm đến nhà học thêm, nhiều trung tâm luyện thi mời thầy cô giáo giỏi đến luyện thi nhằm thu hút học trò bởi khi ấy là còn thi đại học, học sinh phải có năng lực thực sự mới đậu.

Còn bây giờ, xét tuyển đại học bằng học bạ thì học sinh dại gì lại đi học thêm với thầy cô giáo khác, hoặc đi luyện thi như trước đây- cho dù những thầy cô đó dạy giỏi hơn những thầy cô đang dạy chính khóa. Bởi vì, chỉ có thầy cô đang dạy chính khóa mới có thể giúp cho học trò có được điểm số cao, học bạ đẹp mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-hoc-sinh-thuong-chon-hoc-them-voi-thay-co-day-chinh-khoa-post239053.gd