Vì sao Homo sapiens sống sót, còn Neanderthal thì tuyệt chủng?
Tại sao chúng ta thành công trong khi các loài người khác thì không? Và liệu những bài học từ quá khứ tiến hóa có thể giúp Homo sapiens ngăn chặn thảm họa hủy diệt chính mình?
Trong một viện nghiên cứu ở Đức, các nhà khoa học đang nuôi cấy tế bào não người “Neanderthal hóa”. Những tế bào này tạo thành các khớp thần kinh (synap) và phát ra xung điện tương tự ở một người Neanderthal khi cô ấy (chúng là tế bào cái) kiếm ăn, cho con bú hay trông ra ngoài cửa hang lúc chạng vạng.
Đây là lời mở đầu rùng rợn trong Hubris: The Rise, Fall and Future of Humanity (tạm dịch: Người Ngạo mạn: Sự hưng thịnh, suy tàn và tương lai của nhân loại), do Johannes Krause và Thomas Trappe cùng viết.
Thông tin này khiến nó khác biệt với nhiều cuốn sách phổ biến khoa học khác cố gắng dự đoán tương lai của nhân loại dựa trên quá khứ tiến hóa của chúng ta.
90/20.000 gen phân biệt Neanderthal và Homo sapiens
Chỉ có 90 điểm khác biệt về mặt di truyền phân biệt con người hiện đại, Homo sapiens, với người Neanderthal, Homo neanderthalensis. Con số này thật nhỏ bé so với khoảng 20.000 gen tạo nên bản thiết kế con người, và không phải toàn bộ số này đều ảnh hưởng đến não.
Tuy nhiên, 90 điểm khác biệt đó có thể giải thích tại sao người Neanderthal tuyệt chủng, khoảng 40.000 năm trước, còn chúng ta tiếp tục thống trị hành tinh. 90 khác biệt có thể nắm giữ chìa khóa về cách loài người Homo sapiens rõ ràng là thích nghi tốt hơn, có thể thích nghi một lần nữa trước khi hủy diệt các hệ sinh thái mà mình phụ thuộc, cũng là hủy diệt chính chúng ta.
Để thực sự hiểu được tác động của những khác biệt, các nhà khoa học sẽ phải tái dựng toàn bộ các cơ quan, lý tưởng nhất là toàn bộ người Neanderthal, và sau đó dùng một loạt biện pháp nhằm so sánh với con người hiện đại.
Tuy nhiên, như hầu hết chúng ta, các nhà khoa học đồng tình rằng điều này là phản cảm về mặt đạo đức. Nên họ sử dụng não thô sơ, gọi là cơ quan não (kích thước bằng hạt đậu lăng và không có khả năng suy nghĩ hoặc cảm xúc). Việc này đặt ra thách thức kỹ thuật và sẽ mất vài năm nữa họ mới hoàn thành nhiệm vụ.
Lịch sử tiến hóa và bành trướng của loài người
Phần còn lại của cuốn sách chủ yếu bàn về về lịch sử tiến hóa của loài người, mục tiêu này đang nhiều tiến triển nhờ vào công nghệ giúp trích xuất và đọc DNA từ xương cổ đại.
Một thông điệp hiện rõ: hầu hết nhánh của họ người đều là ngõ cụt tiến hóa. Chúng ta, loài duy nhất sống sót cho đến ngày nay, cũng suýt thì đi đời. Sapiens có lợi thế, nhưng đó là gì? Văn hóa? Khả năng xây dựng các mạng lưới xã hội lớn? Giấc mơ về một thế giới không tưởng và tinh thần liều mình để hiện thực hóa thế giới đó? Hay may mắn?
Nam Đảo là nơi ghi nhận sự bành trướng tiêu biểu nhất của loài chúng ta. Đơn cử khoảng 5.000 năm trước, loài người đã rời khỏi một loạt các hòn đảo, mang theo súc vật, hạt giống và trẻ em lên tàu, mà không có gì đảm bảo rằng họ sẽ tìm thấy một mảnh đất nào trong hàng nghìn dặm trên biển. Đã đến lúc con người hiện đại chiếm đóng mọi đảo san hô cuối cùng, rồi mọi mảnh đất cuối cùng có thể sinh sống của hành tinh. Bây giờ chúng ta đang khao khát hướng về mặt trăng và Hỏa tinh.
Không phải chỉ con người mới có động lực sinh học thôi thúc duy trì gen của mình. Mọi sinh vật khác đều có đặc điểm này. Sự tò mò cũng không phải là đặc trưng riêng của con người; loài vượn đã đi lạc khỏi châu Phi từ rất lâu trước chúng ta.
Không phải lúc nào chũng ta cũng tham lam. Các tác giả lặp lại một tuyên bố từ lâu rằng Đảo Phục Sinh, mà cư dân bản địa gọi là Rapa Nui, đã bị con cháu của họ xóa sạch, từ đó đảm bảo chính họ sẽ bị diệt vong. Nhưng nghiên cứu mới đã đặt câu hỏi về cách giải thích này, phát hiện ra con người đã sống bền vững ở đó từ trước khi người châu Âu đến vào thế kỷ 19.
Tuy nhiên, chúng ta đã sống sót lâu hơn tất cả loài họ người khác, và điều này cần được giải thích. Lập luận của Krause và Trappe phù hợp với suy nghĩ lại về Rapa Nui. Họ tuyên bố rằng chỉ đến thế kỷ 20, Homo sapiens mới trở thành Homo hubris - khi dân số gia tăng theo cấp số nhân, đổi mới công nghệ, Trái đất nóng lên và mất đa dạng sinh học đã biến chúng ta thành mối đe dọa hiện hữu đối với chính mình.
Sự chuyển đổi đó diễn ra quá nhanh đến nỗi nó hẳn phải là sản phẩm của quá trình tiến hóa văn hóa chứ không phải tiến hóa sinh học, nhưng khả năng thích nghi thông qua văn hóa cuối cùng vẫn nằm ở gen.
Các tác giả cho biết không có bằng chứng nào cho thấy người Neanderthal sáng tạo nghệ thuật, nếu đúng vậy có thể họ ít khả năng tư duy trừu tượng hơn chúng ta. Không phải ai cũng đồng tình, nhưng hầu hết sẽ thừa nhận người Neanderthal khác chúng ta về mặt ngôn ngữ và nhận thức.
Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thể tận dụng những khác biệt đó để kiềm chế những xung lực tham lam của mình trước khi quá muộn không? Chúng ta có thể huy động văn hóa để làm chủ sinh học không?
Tức là phải điều phối hành vi của 8 tỷ người đã sinh ra, vì lợi ích của những ai chưa chào đời. Cho đến nay, chúng ta đã thất bại thảm hại, nhưng có lẽ chúng ta vẫn còn có thể vãn hồi. Hoặc có lẽ kiêu ngạo thực sự là khi nghĩ rằng chẳng có ngõ cụt nào đang chờ mình. Người Neanderthal lai vãng trên hành tinh này trong gần 400.000 năm; chúng ta đã ở đây trong 300.000 năm. Khi mọi chuyện ngã ngũ, ai sẽ được phán là người chiến thắng (và ai sẽ phán)?