Vì sao Hưng Yên gọi là 'miền đất hứa' cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp

Những năm gần đây, Hưng Yên đang nổi lên như một điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm nhờ vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng giao thông đồng bộ, quỹ đất lớn, phát triển theo xu hướng sản xuất xanh đáp ứng các tiêu chí đầu tư hiện đại.

 Hình ảnh quy hoạch CNN Kim Động - Đặng Lễ - Chính Nghĩa vừa ra mắt tại Hưng Yên. Ảnh: DTJ Industrial

Hình ảnh quy hoạch CNN Kim Động - Đặng Lễ - Chính Nghĩa vừa ra mắt tại Hưng Yên. Ảnh: DTJ Industrial

Hưng Yên được nhận định là một trong những tỉnh sở hữu vị trí địa lý thuận lợi tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, toàn diện nhất.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hưng Yên thuộc vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

Với vị trí đắc địa tại trung tâm của nền kinh tế sản xuất công nghiệp miền Bắc, gần các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, Hưng Yên ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn đồng bộ.

Khi mạng lưới đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường nối 2 cao tốc huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến Quốc lộ 39, đường Tân Phúc – Võng Giang hoàn thiện, sẽ tạo nên các trục giao thông xuyên suốt tỉnh Hưng Yên kết nối vùng và khu vực.

Các công trình này mang tính động lực, tạo sức mạnh lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp cho việc thông thương với các thủ phủ phát triển công nghiệp trong khu vực và quốc tế rất thuận lợi với thời gian được rút ngắn đáng kể.

Trong khi, làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài (FDI) mấy năm qua khiến khu vực Đồng bằng sông Hồng thu hút rất nhiều dự án đầu tư lớn của các "đại bàng" như Samsung, LG, Intel, Foxconn, Vinfast, Honda... Với ưu thế gần nguồn cung nguyên vật liệu và khoảng cách từ Hưng Yên tới các nhà máy này là điều kiện rất thuận tiện để phát triển thành căn cứ cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ.

Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ

Tốc độ phát triển kinh tế của Hưng Yên có sự tăng trưởng mạnh mẽ với GRDP trung bình hàng năm trên 7,5%. Quý III năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước tăng 8,8%, xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Hưng Yên nằm trong danh sách Top 10 về thu ngân sách Nhà nước và cũng là địa phương thứ hai sau Hà Nội vượt dự toán. 10 tháng đầu năm 2024, Hưng Yên đã hoàn thành 105% kế hoạch cả năm, đạt 34.600 tỷ đồng và tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Cơ cấu kinh tế của địa phương có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ trọng chủ yếu. Cụ thể năm 2023, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 61,66%; thương mại và dịch vụ chiếm 24,85%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,09%.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hưng Yên tăng 10,59% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây và cho thấy sản xuất công nghiệp của tỉnh đang có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, đặc biệt sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 23,21% và sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 37,92%.

 Hình ảnh nhà điều hành CCN Kim Động - Đặng Lễ - Chính Nghĩa tại Kim Động, huyện Ân Thi - Hưng Yên. Ảnh: DTJ Industrial

Hình ảnh nhà điều hành CCN Kim Động - Đặng Lễ - Chính Nghĩa tại Kim Động, huyện Ân Thi - Hưng Yên. Ảnh: DTJ Industrial

Theo quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp.

Tập trung xây dựng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước, từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới vào năm 2030.

Bên cạnh đó, các công trình lưới điện 110kV, 220kV, lưới điện trung thế, hạ thế cũng được triển khai nhằm đảm bảo nguồn điện cho sản xuất ngày một gia tăng và không bị gián đoạn. Các cơ sở giáo dục, đào tạo đã thực hiện tuyển sinh đa dạng ngành, nghề và trình độ nhằm đáp ứng nguồn lao động chất lượng phục vụ lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, việc cải cách hành chính, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh về thuế, xây dựng, đất đai, đào tạo lao động… được lãnh đạo tỉnh quyết liệt triển khai.

Đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh cũng dành nguồn vốn đầu tư ưu tiên xây dựng cơ sở lưu trú cho các chuyên gia nước ngoài, nhà ở xã hội cũng như quan tâm chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục...

Địa phương đang xây dựng môi trường kinh doanh theo hướng thân thiện, tiết giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp bằng việc nâng cao các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh như PCI, PAPI, PAR Index.

Năm 2023, PCI của Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong bảng đánh giá Chỉ số PCI những chỉ số thay đổi mang tính tích cực ở chỉ số gia nhập thị trường (+0,41 điểm), tính minh bạch (+0,58 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (+0,14 điểm), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (+1,11 điểm), đào tạo lao động (+0,62 điểm), thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (+0,06 điểm).

Đối với chỉ số xanh (PGI), Hưng Yên xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố với điểm của 4 chỉ số thành phần lần lượt: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai đạt 7,5 điểm; Đảm bảo tuân thủ đạt 5,89 điểm; Thúc đẩy thực hành xanh đạt 5,32 điểm; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đạt 5,88 điểm.

Đây chính là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến với Hưng Yên. Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group nhấn mạnh, điểm đặc biệt vô cùng hấp dẫn trong lợi thế cạnh tranh và môi trường đầu tư tại Hưng Yên chính là giá đất thuê còn rẻ, nguồn nhân lực trẻ và có kỹ thuật tốt.

Như vậy, với vị trí chiến lược, trung tâm kết nối, giá thuê thấp và dân số vàng, Hưng Yên đang sở hữu tiềm năng rất lớn trở thành trung tâm công nghiệp của miền Bắc trong tương lai.

Sức hút từ quỹ đất lớn, chính sách ưu đãi đầu tư

Số liệu thống kê của tỉnh 10 tháng đầu năm 2024, Hưng Yên thu hút được 222 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt xấp xỉ 2,4 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10/2024, tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 2.320 dự án, trong đó có 1.728 dự án trong nước, gần 600 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 345.323 tỷ đồng và 7,73 tỷ USD.

Các nhà đầu tư đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Nhật Bản đứng đầu về số dự án (176 dự án, chiếm 30% tổng số dự án) và tổng vốn đầu tư 3,82 tỷ USD (chiếm 50% về tổng vốn đầu tư đăng ký). Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 155 dự án và gần 1,2 tỷ USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đứng thứ 3 với 155 dự án và 811 triệu USD.

Cùng với xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI và sự phát triển của các ngành công nghiệp, tiềm năng đầu tư BĐS công nghiệp tại Hưng Yên là rất lớn bởi sở hữu vị trí thuận lợi, tài sản tốt với giá hợp lý, mang lại dòng tiền tốt từ việc cho thuê và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.

Theo quy hoạch, Hưng Yên sẽ được chia thành hai vùng kinh tế: Phía Bắc sẽ phát triển công nghiệp – đô thị - dịch vụ với các khu vực phát triển công nghiệp và tiện ích đô thị - dịch vụ nhằm phục vụ công nhân viên, người lao động. Khu vực phía Nam sẽ tập trung phát triển giáo dục – du lịch – nông nghiệp theo mô hình sinh thái, tuần hoàn. Nơi đây cũng sẽ là trung tâm hành chính của tỉnh với TP Hưng Yên là đầu não.

 Hình ảnh khu tiện ích của Dự án CNN Kim Động - Đặng Lễ - Chính Nghĩa. Ảnh: DTJ Industrial

Hình ảnh khu tiện ích của Dự án CNN Kim Động - Đặng Lễ - Chính Nghĩa. Ảnh: DTJ Industrial

Ngoài các KCN cũ đã được lấp đầy, Hưng Yên là tỉnh có quỹ đất dự kiến cho phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước với 15.798 ha. Đến năm 2030, Hưng Yên sẽ có 29 KCN, tổng diện tích hơn 9.240 ha. Trong đó, 15 KCN đã có trong quy hoạch đến năm 2020 với diện tích 3.887 ha, 2 KCN sẽ được mở rộng với diện tích 307,5 ha và quy hoạch mới 14 KCN với tổng diện tích 5.045 ha. Các KCN, CCN sẽ tập trung ở phía Bắc là các huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ, thị xã Mỹ Hào, phía Bắc của huyện Ân Thi và Kim Động.

Huyện Ân thi và Kim Động là những địa bàn mới được định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh và khu vực trong thời gian tới, cung cấp hàng nghìn ha bất động sản công nghiệp ra thị trường.

Dự án Tổ hợp Công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt tại Hưng Yên cho thấy khả năng hình thành các chuỗi cung ứng tập trung, chặt chẽ và đồng bộ, tránh được tình trạng các dự án phát triển rời rạc, thiếu chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến mục tiêu Net Zero, bất động sản công nghiệp tại Hưng Yên được chú trọng phát triển theo hướng KCN, CCN xanh – tuần hoàn theo quy định tại Nghị định 35 của Chính phủ. Theo đó, sẽ có các nhà xưởng, nhà kho cao tầng và các dự án công nghệ cao sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, hiện đại.

Các dự án KCN, CCN ở tỉnh Hưng Yên hầu hết đều là những dự án mới, vì vậy sẽ có giá trị gia tăng cao trong tương lai nhờ vào nhu cầu thuê đất và tính bền vững trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư FDI, nhất là khi xu hướng công nghiệp xanh đã trở nên phổ biến. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group

Tính đến 20/11/2024, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 14,17 tỷ USD. Riêng Hưng Yên đã tiếp nhận hơn 300 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp, CNHT, đóng góp quan trọng hình thành nên ngành CNHT đang trên đà phát triển mạnh ở nhiều lĩnh vực.

Hiện tỉnh áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành CNHT, công nghệ cao như thuế TNDN 10% trong 15 năm, trong đó miễn thuế cho 4 năm đầu và giảm 50% thuế cho 9 năm tiếp theo.

Cùng với đó, Hưng Yên sẽ phát triển các KCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành CNHT nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững. Một số KCN, CCN sẽ được quy hoạch dành riêng cho ngành CNHT để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển lĩnh vực này, đồng thời tạo liên kết ngành và hình thành chuỗi giá trị.

Mới đây nhất là sự ra mắt của CCN Kim Động – Đặng Lễ - Chính Nghĩa, dự án thuộc Hưng Yên Group, thành viên củ Tập đoàn Kinh Bắc. Dự án nằm trong địa phận huyện Kim Động và huyện Ân Thi, trên tuyến đường nối hai cao tốc - đường Lý Thường Kiệt. Tổng diện tích toàn khu vực là 225ha, chia thành 3 phân khu là CCN Kim Động, CCN Đặng Lễ và CCN Chính Nghĩa.

Ngoài các ngành nghề cơ bản được thu hút trong các KCN/CCN, tổ hợp 3 CCN còn chấp nhận các ngành nghề đặc thù cho CNHT như sản xuất điện, điện tử; sản xuất lắp ráp phụ tùng ô tô; sản xuất hóa chất; gia công, chế tạo kim loại; logistics… Các dự án sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi thuế TNDN 17% trong thời gian 10 năm, miễn thuế trong 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo, miễn tiền thuê đất trong 7 năm.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngành CNHT của tỉnh Hưng Yên đã hình thành khá rõ nét trong sáu lĩnh vực là cơ khí chế tạo, thiết bị điện - điện tử, dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.

Nhiều dự án quy mô lớn đã chọn Hưng Yên làm “điểm đến” và đang hoạt động có hiệu quả như Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam, Công ty TNHH Hoya Glass Disk (sản xuất nền đĩa thủy tinh cho đĩa từ dùng trong ổ cứng máy tính), Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam (sản xuất bảng mạch in dùng cho các thiết bị điện tử), Công ty TNHH Kyocera Việt Nam (sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử), Công ty TNHH Toto Việt Nam (sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp), Công ty TNHH dây và cáp điện ô tô Sumiden Việt Nam, Công ty TNHH Hamaden Việt Nam (sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô), Nhà máy tôn mạ mầu của Công ty TNHH Hòa Phát...

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vi-sao-hung-yen-duoc-goi-la-mien-dat-hua-cho-cac-nha-dau-tu-trong-nganh-cong-nghiep-36228.html