Vì sao ít có giáo viên đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ tinh giản biên chế?
Muốn nghỉ hưu trước tuổi, xin không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không được, vì không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng thành tích nhà trường.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Theo đó, kể từ ngày 10/12/2020, sẽ có 13 đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thuộc diện tinh giản biên chế hàng năm.
Người viết chỉ trích dẫn 7 đối tượng có liên quan đến giáo viên.
“1. Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự,...
2. Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.
3. Cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại,...
4. Cán bộ, công chức, viên chức có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
5. Cán bộ, công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp liên kể tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 1 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp,...
6. Cán bộ, công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp,...
7. Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tội da do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội.”
Giáo viên có cơ hội được hưởng chế độ tinh giản biên chế khi muốn nghỉ hưu trước tuổi?
Nhiều giáo viên tâm sự “Muốn nghỉ hưu trước tuổi, xin không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không được, vì không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng thành tích nhà trường.
Nếu bỏ bê đến mức không hoàn thành nhiệm vụ, thì quá ảnh hưởng đến học trò và xã hội, hình ảnh của mình, của ngành, của trường.
Bên cạnh đó, không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục, bị cho thôi việc trước, chứ không phải cho nghỉ hưu theo chế độ tinh giản biên chế, vì chưa bao giờ có chuyện xét tinh giản biên chế ở các trường học hiện nay”.
Chính sách về hưu trước tuổi mới áp dụng từ 1/1/2021
Theo người viết được biết, giáo viên nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ tinh giản biên chế đều phải “quan hệ”, hoặc ở vị trí quản lý nên được “ưu tiên”.
Thực tế hiện nay, có rất nhiều giáo viên “chán việc”, muốn nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ tinh giản biên chế, khỏi bị trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu, nhưng không đạt nguyện vọng, vì thế xảy ra hiện tượng “Một khi giáo viên bất lực buông xuôi, dạy cho hết tiết...”.
Vì vậy, để Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế đi vào cuộc sống, giúp tinh giản được giáo viên “chán việc”, tạo điều kiện tuyển dụng giáo viên trẻ, được đào tạo bài bản, đạt chuẩn, các địa phương phải có “thời điểm xét tinh giản biên chế” hàng năm.
Cho giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi theo phương thức tinh giản biên chế, được nghỉ hưu theo chế độ tinh giản biên chế.
Nếu được nghỉ hưu theo chế độ tinh giản biên chế, sẽ có rất nhiều giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo nghỉ hưu, vì phần lớn giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo lại đang ở tuổi cận hưu, có ý muốn nghỉ hưu, chán việc.
Cho giáo viên có cơ hội được hưởng chế độ tinh giản biên chế khi nghỉ hưu trước tuổi, ngành giáo dục sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tiền đề để đổi mới giáo dục thành công, một sự đầu tư đơn giản, hiệu quả và nhân văn, nên làm.
Tài liệu tham khảo:
http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=201882