Vì sao khó làm ra thuốc tránh thai dành cho đàn ông?
Thuốc tránh thai dành cho phụ nữ đã có từ lâu nhưng đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc tránh thai dành cho nam giới. Có một số lý do đằng sau vấn đề này.
Kể từ khi viên thuốc tránh thai cho phụ nữ ra đời và được cấp phép sử dụng vào những năm 1960, các nhà nghiên cứu vẫn luôn quan tâm về một loại thuốc tương tự dành cho nam giới. Gần đây, một loại thuốc tránh thai nam giới được thử nghiệm an toàn và có hiệu quả đến 99%, tuy nhiên ngày ra mắt còn xa.
Cụ thể, các nhà khoa học ở Mỹ tiết lộ đang phát triển một loại thuốc tránh thai dành cho nam giới. Theo đó, loại thuốc này không chứa nội tiết tố, có hiệu quả 99% trong việc ngừa thai ở chuột. Việc thử nghiệm trên người có thể bắt đầu vào cuối năm nay. Song, khả năng phải mất tới 5 năm để thuốc có mặt trên thị trường.
Thực tế, từ hàng nghìn năm trước, con người đã luôn tìm kiếm các biện pháp để tránh thai. Họ dùng mọi thứ từ mật ong tới phân cá sấu để làm điều đó.
Nhưng trong suốt lịch sử, phần lớn trách nhiệm thuộc về phụ nữ. Ngày nay, họ là trung tâm của 3 trong số các hình thức kiểm soát sinh sản phổ biến nhất bao gồm: Triệt sản (phẫu thuật); Uống thuốc viên (có chứa hormone ngăn ngừa thụ thai); Biện pháp tránh thai có thể đảo ngược kéo dài (vòng tránh thai, que cấy tránh thai).
Nam giới cũng đóng một vai trò nào đó trong việc tránh thai. Tuy nhiên, hiện họ chỉ có 2 sự lựa chọn: Dùng bao cao su hoặc phẫu thuật triệt sản (thắt ống dẫn tinh). Bao cao su chỉ sử dụng được một lần. Thắt ống dẫn tinh là hình thức triệt sản bằng phẫu thuật, rất tốn kém để đảo ngược và không phải lúc nào cũng thành công. Thắt ống dẫn tinh còn dễ gây ra biến chứng nhiễm trùng, đau ngắn hạn và mạn tính.
Dù các nhà khoa học kỳ vọng nhiều vào nghiên cứu về thuốc tránh thai dành cho nam giới, song cho đến nay các công trình hầu như mới chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm.
Theo Yahoo, một phần nguyên nhân của việc khó làm ra thuốc tránh thai cho đàn ông liên quan đến giải phẫu. Phụ nữ thường rụng trứng một tháng một lần còn nam giới lại xuất tinh liên tục. Theo trang Science Line của Đại học New York, một người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh có thể giải phóng từ 40 triệu đến 1,2 tỷ tế bào tinh trùng trong một lần xuất tinh.
"Các phương pháp tránh thai ở nam giới rất dễ bị cản trở vì bạn phải dừng một quá trình diễn ra liên tục. Đối với phụ nữ, chỉ cần ngăn rụng trứng là đủ", bác sĩ Brian Nguyen, trợ lý giáo sư tại Đại học Southern California (Mỹ) giải thích.
Thực tế, nghiên cứu cho thấy nhiều nam giới hoan nghênh việc lựa chọn thuốc tránh thai dựa trên hormone. Theo kết quả một cuộc khảo sát, có tới 83% cho biết, họ sẽ sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên việc tìm ra một loại thuốc như vậy diễn ra khá chậm chạp. Tiêu chuẩn và áp lực đặt ra đã cao hơn nhiều so với trước đây.
Dược phẩm này phải thỏa mãn các tiêu chí: an toàn, đáng tin cậy, hiệu quả, giá thành rẻ, dễ sử dụng, không có tác dụng phụ nghiêm trọng… Và để thuốc phát huy hiệu quả, nó phải làm được ít nhất một trong những điều sau:
- Làm chậm hoặc ngừng quá trình tạo và hình thành tinh trùng
- Ngăn chặn tinh trùng rời khỏi cơ thể
- Làm chậm tinh trùng để ngăn chúng đến đích
- Giữ cho tinh trùng không thụ tinh với trứng
Nhiều loại thuốc đã được thử nghiệm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số là thuốc tiêm, không phải thuốc viên. Đó không phải là điều lý tưởng. Một số có khả năng gây ra các vấn đề cho gan hay phải uống hơn 1 lần mỗi ngày. Các tác dụng phụ như mụn trứng cá, tăng cân, thay đổi ham muốn tình dục và tâm trạng cũng có thể xảy ra.
Ví dụ cụ thể là vào những năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nghiên cứu testosterone như hình thức tránh thai cho nam tiềm năng, nhận thấy nó có hiệu quả cao trong việc giảm số lượng tinh trùng. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là tăng cân, mụn trứng cá, cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng.
Năm 2012, các nhà nghiên cứu đã tạm dừng một thử nghiệm hormone progestogen và testosterone vì nam giới có biểu hiện mụn trứng cá nghiêm trọng, trầm cảm và đau sau tiêm.
Nghiên cứu thuốc tiêm tránh thai cho đàn ông năm 2016 cũng đã bị dừng lại do không đạt chuẩn an toàn, dù cho thấy hiệu quả chặn tinh trùng lên tới 96%. Ủy ban giám sát nhận định các tác dụng phụ như thay đổi tâm trạng, trầm cảm, đau tại chỗ tiêm, tăng ham muốn vượt trội so với tác dụng của thuốc.
Hiện nay, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đang tài trợ cho một thử nghiệm lâm sàng gel tránh thai nội tiết tố có tên NES/T. Gel chứa hợp chất progestin segesterone acetate (tên thương hiệu Nestorone), kết hợp với testosterone, dễ dàng hấp thụ qua da.
Progestin ngăn chặn sản xuất testosterone tự nhiên trong tinh hoàn, làm giảm sản xuất tinh trùng xuống mức thấp nhất. Testosterone thay thế duy trì ham muốn tình dục bình thường và các chức năng khác. Nam giới sẽ thoa gel lên vai và cánh tay một lần mỗi ngày.
NES/T đang được thử nghiệm giai đoạn hai. Tiến sĩ Wang, cũng là nghiên cứu viên chính của công trình, cho biết gel có thể ra mắt sau 5 năm nữa.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở cũng Ấn Độ đang thử nghiệm một thủ thuật thắt ống dẫn tinh không phẫu thuật, gọi là RISUG (ức chế đảo ngược tinh trùng). Theo đó, bác sĩ sẽ tiêm một loại gel vào các thể hang trong dương vật để lưu trữ tinh trùng.
Tuy nhiên, những nghiên cứu này mới đang dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm. Hình thức tránh thai dành cho nam giới dễ dàng như thuốc viên, miếng dán, thuốc tiêm hoặc đặt vòng tương tự phụ nữ dường như vẫn còn khá xa vời.
Minh Hoa (t/h)