Vì sao khó xử lý vi phạm điểm trùng lặp của xe hợp đồng trá hình?
Việc xác định hành vi lặp đi lặp lại đối với xe hợp đồng trá hình tuyến cố định gặp khó vì doanh nghiệp tìm cách lách luật.
Đối với điều kiện kinh doanh của xe hợp đồng, Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định: Doanh nghiệp vận tải và lái xe trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố, ngõ hẻm. Việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Tuy nhiên, theo đánh giá, qua 3 năm thực hiện Nghị định, quy định này không mang lại hiệu quả trong thực tế. Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, việc xác định điểm trùng lặp trên thực tế cũng như áp dụng công nghệ để xác định hành vi vi phạm này gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thay đổi địa điểm để hợp thức hóa.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, quy định không được trùng lặp 30% nghe có vẻ là hạn chế được đối với xe hợp đồng trá hình. Tuy nhiên, đến nay quy định này không có tính khả thi, doanh nghiệp lách dễ dàng bằng việc chuyển địa điểm đón trả khách. Quy định cho có, việc kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình tuyến cố định không thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, quy định xe hợp đồng không được chạy quá 30% điểm trùng lặp, thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy thực hiện quy định này không hiệu quả, xe hợp đồng dễ dàng lách luật.
Cần có giải pháp quản lý đúng thực chất vận tải khách theo hợp đồng. Cần tìm cách quản lý khác bằng việc ban hành mẫu hợp đồng vận tải khách theo chuyến. Trong đó, quy định rõ điểm đón trả khách, thời gian thực hiện, giá trị hợp đồng, danh sách hành khách. Trước khi bắt đầu chuyến xe hợp đồng đã được ký kết và truyền về cơ quan quản lý.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, Cục Đường bộ VN có chủ trương đề xuất với Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy định trong thời gian 1 tháng, mỗi xe kinh doanh vận tải hợp đồng, du lịch có điểm đầu điểm cuối không nằm trong phạm vi một tỉnh, thành phố không thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp.
Lý giải đề xuất mở rộng phạm vi xác định điểm trùng lặp lên cấp tỉnh, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, chỉ xác địa địa giới tỉnh thì quy định này mới có giá trị. Đây không phải cấm mà là hạn chế xe hợp đồng.
Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc quy định xác định vị trí trùng lặp theo tuyến phố rất khó thực hiện, một doanh nghiệp có thể có nhiều điểm đón trả khách khác nhau. Nếu mở rộng phạm vi từ tuyến phố lên phường xã hay quận đều không hiệu quả, doanh nghiệp vẫn lách được. Chỉ có xác định phạm vi trùng lặp cấp tỉnh, thành phố mới xử lý được vi phạm.