Vì sao khối ngoại 'tháo chạy' khỏi cổ phiếu Hoa Sen (HSG)?

Tiếp tục đà bán ra cổ phiếu HSG của nhóm 8 nhà đầu tư lớn nước ngoài, Hoa Sen vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy nhóm này chỉ còn sở hữu 6,69% sau giao dịch mới đây.

Báo cáo thay đổi sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (MCK: HSG) được Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM công bố ngày 27/8.

Trong báo cáo, nhóm 8 nhà đầu tư lớn nước ngoài đã thực hiện bán ra 3.000.000 cổ phiếu HSG, giảm số lượng sở hữu từ 44,25 triệu cp xuống còn 41,25 triệu cp; tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,18% xuống 6,69%.

Giao dịch của từng nhà đầu tư cụ thể, gồm: Amerham Industries Limited bán ra 1.000.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,45%; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company cũng bán ra 1.000.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,16%;

Hanoi Investments Holdings Limited bán ra 500.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,71%; Norges Bank bán ra 500.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu còn 1,54% - hiện là nhà đầu tư nước ngoài đang có tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại Hoa Sen.

Trước đó, nhóm 8 nhà đầu tư nước ngoài này đã nhiều lần bán ra cổ phiếu của Hoa Sen. Từ ngày 15/3 đến 16/8, nhóm này đã bán ròng hơn 28 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,3% xuống còn 7,71%. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã nhiều lần mua bán cổ phiếu HSG, với chiều bán chiếm áp đảo.

Nguồn: Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Nguồn: Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Động thái này của nhóm nhà đầu tư nước ngoài được tiến hành trong bối cảnh Hoa Sen duy trì mức lãi ròng trong 3 quý liên tiếp và cán đích sớm niên độ tài chính 2023 - 2024 áp dụng từ 1/4 - 30/6.

Doanh nghiệp đạt 29.200 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với cùng kỳ và lãi ròng đạt gần 700 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch lãi sau thuế đề ra chỉ sau 9 tháng.

Theo báo cáo tài chính quý III niên độ tài chính 2023 - 2024, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần 10.840 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng vọt 50%, đạt 1.337 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện đáng kể, từ 10,3% lên 12,3%.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 141%, đạt 31 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay giảm 28% xuống còn 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng 25% lên 901 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 12% lên 129 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng trong quý, gấp 19 lần cùng kỳ. Giải trình lợi nhuận, Hoa Sen cho biết đây là mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến kể trên chủ yếu do so sánh với mức nền thấp cùng kỳ khi ngành thép thoái trào. Còn nếu so với quý liền trước, mức lợi nhuận này vẫn thấp hơn 15%.

Dù vậy, động thái giảm sở hữu liên tiếp của nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng được cho là dễ hiệu khi nhiều Công ty Chứng khoán nhận định ngành thép vẫn còn nhiều gian nan trong nửa cuối 2024.

Cụ thể, Chứng khoán Vietcombank cho rằng dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong đó có Hoa Sen được đánh giá là tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, những lợi thế và điểm sáng hiện tại chỉ là nhất thời, không thực sự bền vững do một số chính sách mới ban hành của EU sẽ có tác động bất lợi tới hoạt động xuất khẩu.

Giá nguyên liệu cũng giảm khá nhanh vào cuối quý II có thể tạo ra áp lực trích lập giảm giá hàng tồn kho trong quý III/2024.

Xét về các cơ hội cuối năm, Chứng khoán Vietcombank dự báo giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp quanh 3.000 nhân dân tệ/tấn như hiện nay cho tới ít nhất cuối năm 2024 do nhu cầu thép chưa hồi phục, niềm tin người mua nhà suy yếu, các chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản cần thêm nhiều thời gian để thẩm thấu.

Cuộc tranh cãi giữa Hòa Phát và nhóm các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép, trong đó có Hoa Sen và Nam Kim diễn ra căng thẳng xung quanh việc có hay không khởi kiện điều tra chống bán phá giá thép cán nóng (HRC).

Chứng khoán Vietcombank đánh giá tác động của chính sách có khả thi và tạo sự ảnh hưởng nhất với sản phẩm thép HRC do thị trường tiêu thụ của công ty này tại nội địa là chính. Trong khi đó, các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép trong đó có Hoa Sen lo sợ việc Hòa Phát độc quyền thị trường sẽ có thể buộc họ phải mua HRC với giá cao.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 27/8, HSG đang có giá 20.800 đồng/cp.

Theo phân tích của Vietstock, khối lượng giao dịch HSG tính đến ngày 27/8 đã vượt mức trung bình 20 ngày và duy trì được 8 phiên liên tục cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá lạc quan.

Chỉ báo động lượng này đo lường biến động thị trường đã cho tín hiệu mua trở lại và vượt khỏi vùng quá bán (oversold). Đáy cũ tháng 4/2024 (tương đương vùng 19.000 – 21.000) sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ trong thời gian tới.

Diệu Phương

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/vi-sao-khoi-ngoai-thao-chay-khoi-co-phieu-hoa-sen-hsg-716529.html