Vì sao không có phim truyện Việt Nam dự Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM?
Cục trưởng Cục Điện ảnh lên tiếng về việc Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) không có phim Việt tham dự.
Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) mùa đầu tiên đang diễn ra thu hút sự quan tâm của người hâm mộ điện ảnh. Liên hoan có ba hạng mục trao giải chính: Phim Đông Nam Á (quan trọng nhất), Phim đầu tay và Phim ngắn.
Tuy nhiên sự xuất hiện ít ỏi của các phim điện ảnh Việt là dấu hỏi lớn cho nhiều người. Đặc biệt ở hạng mục quan trọng nhất phim Đông Nam Á, không có tác phẩm nào của Việt Nam tranh giải.
Điều này không chỉ bỏ lỡ cơ hội quảng bá và phát triển điện ảnh mà còn gây lãng phí, đồng thời cũng có nhiều ý kiến cho Liên hoan phim này đã vi phạm luật khi chưa có sự cấp phép của Bộ VH,TT&DL.
Trả lời việc HIFF 2024 được tổ chức tại Việt Nam nhưng lại không có bất kỳ bộ phim truyện Việt Nam nào được dự giải, ông Vi Kiến Thành cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 3 Liên hoan phim Quốc tế. Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (do Bộ VH,TT&DL tổ chức); Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (do một số nước châu Á và Đà Nẵng đứng ra tổ chức); Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM (do UBND TP.HCM tổ chức).
"Với thể lệ của một LHP Quốc tế, mỗi nước chỉ được một vài phim tham gia để bình đẳng. Không thể lấy lý do vì là nước đăng cai mà tham gia nhiều phim. Với số lượng phim Việt tham gia tranh giải như vậy, theo tôi là hợp lý", Cục trưởng Cục điện ảnh nói.
Ông Thành cho biết, theo Luật Điện ảnh 2022, Bộ VH,TT&DL cho phép các địa phương đứng ra tổ chức liên hoan phim theo hướng cởi mở, tạo ra nhiều sân chơi để nghệ sĩ trong nước cọ xát, giao lưu, học hỏi.
"Một số báo nói HIFF 2024 phạm luật, tôi khẳng định là không phải phạm luật. Các tỉnh/thành phố được quyền tổ chức LHP Quốc tế. Kinh phí tổ chức LHP do địa phương từ lo liệu từ nguồn xã hội hóa", ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Tại HIFF 2024 lần này, lúc đầu Việt Nam có 1 phim truyện dài là "Ầu ơ ví dầu" định tham gia dự giải nhưng phim này Cục Điện ảnh khi thẩm định đã không cấp giấy phép do có nhiều yếu tố vi phạm Luật Điện ảnh.
Ở hạng mục phim ngắn, Việt Nam có 3 phim: Bát mã truy phong, Cuối đường dậy lên một tiếng gọi, Ngủ ngon em yêu. Do thể lệ của mỗi LHP chỉ cho mỗi nước có một số lượng có hạn nên không thể mang tất cả các phim của Việt Nam đi dự giải", ông Vi Kiến Thành chia sẻ thêm.
Về câu chuyện các bộ phim do nhà nước đặt hàng sau khi khai thác ngoài rạp thì sẽ thế nào? Ông Vi Kiến Thành cho hay, theo Quyết định 316 về Kế hoạch phát hành thí điểm phim Nhà nước đặt hàng chiếu ở các cụm rạp để xem khả năng doanh thu sẽ như thế nào. Cụ thể trong đó có "Đào, phở và piano", "Hồng Hà nữ sĩ" và 6 phim hoạt hình.
Phim Nhà nước đặt hàng không chỉ chiếu ở rạp mà sẽ tham dự các tuần phim ở nước ngoài, công chiếu trong các tuần phim chào mừng ngày lễ lớn của đất nước và gửi cho các Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh của 63 tỉnh/thành phố để chiếu miễn phí phục vụ người dân.
HIFF 2024 diễn ra trong 8 ngày (từ 6/4 đến hết ngày 13/4) với 60 phim được chiếu ở khắp các cụm rạp. Ngoài ra, tại Liên hoan phim còn có các hội chợ dự án kịch bản phim, kết nối kinh doanh của Hiệp hội người mua và phân phối phim nước ngoài, triển lãm điện ảnh, ra mắt phim mới, giao lưu đoàn phim…
Bên cạnh đó Liên hoan phim còn tổ chức các hội thảo liên quan đến điện ảnh, thông qua đó kết nối người làm phim lẫn công chúng yêu điện ảnh. Hiện Liên hoan phim đã nhận được hơn 400 phim dự thi, 56 dự án tham gia Chợ dự án (Project Market) và 87 kịch bản tham gia Vườn ươm kịch bản Việt (VietScript Lab).